Xác định đúng vai trò nhà trường, xã hội và gia đình trong phát triển toàn diện giáo dục
Trường THPT Gia Định phản bác thông tin học sinh "ăn cắp" bài để dự thi quốc tế
Tặng sách cho các đơn vị bảo trợ, cơ sở giáo dục
Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024
Hành động nhiều hơn, bao quát phạm vi, mục tiêu đặt ra
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng nội dung dự thảo Chiến lược thông qua việc lấy ý kiến tại các hội nghị, hội thảo của các bộ, ngành, chuyên gia, nhà quản lý... nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển giáo dục, đánh giá sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 29).
“Nguồn lực quan trọng nhất là con người và nhân tài là động lực đổi mới sáng tạo. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo về giáo dục các cấp, cũng như tính liên thông, tránh tiếp cận "thiếu tổng thể, tạo chia cắt'", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cho rằng, Chiến lược phải mang tính hành động nhiều hơn, bao quát phạm vi, mục tiêu đặt ra. Trước mắt, khi chưa xây dựng được Chiến lược, Bộ cần tập trung xây dựng đề án từ nay đến năm 2025, xác định những nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách trên cơ sở rà soát kết quả thực hiện những mục tiêu về Phổ cập Tiểu học, Trung học Cơ sở; đổi mới phương pháp dạy và học; nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ, liên thông giữa các bậc học, giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp…
“Đề án này phải khắc phục ngay những điểm nghẽn trong nghị định, thông tư về giáo dục, tích hợp thực chất quy hoạch hệ thống giáo dục, đào tạo gắn với quy hoạch phát triển vùng, địa phương”, Phó Thủ tướng nói.
Để đổi mới dạy và học ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu hội nhập, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác đào tạo đội ngũ giáo viên cần "đi trước một bước" và huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia để đạt được kết quả thực chất cho người học.
Việc đổi mới nội dung, mục tiêu đào tạo phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có sự cân đối, hài hòa kiến thức giữa các môn học. Các trường sư phạm phải đi đầu trong thay đổi về chương trình đào tạo, phương thức quản trị, trên cơ sở xác định những nội dung giáo dục cơ bản để đào tạo một số lượng giáo viên cơ hữu. Đối với những môn học liên quan đến thẩm mỹ, hình thành nhân cách, các trường phổ thông có cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ sĩ đến giảng dạy cho học sinh.
“Trong thay đổi phương pháp dạy và học, cần xác định đúng vị trí, vai trò của nhà trường, xã hội, gia đình trong mục tiêu phát triển toàn diện giáo dục “đức - trí - thể - mỹ”. Người học là trung tâm của quá trình tự học, biết đổi mới, sáng tạo, cảm nhận cái đẹp, nắm vững phương pháp tự học, nhất là học tập suốt đời”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng lưu ý, tại những khu vực có điều kiện thuận lợi, cần thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa giáo dục, để dành nguồn lực Nhà nước đầu tư cho phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm làm việc.
Tạo lập thế hệ người Việt Nam mới
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, mục tiêu tổng quát của dự thảo Chiến lược nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo lập thế hệ người Việt Nam mới, sống lương thiện, giàu khát vọng, có đầy đủ phẩm chất trí tuệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, dự thảo Chiến lược xây dựng hệ thống giáo dục mở, công bằng và bình đẳng, phục vụ học tập suốt đời theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế và đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030.
Để thực hiện hàng loạt mục tiêu cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất 10 nhóm giải pháp: Hoàn thiện thể chế; đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao gắn liền với đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế.
Đóng góp ý kiến tại cuộc làm việc, Giáo sư Mai Trọng Nhuận (nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, dự thảo Chiến lược cần lựa chọn một số điểm quan trọng để giải quyết dứt điểm như năng lực quản trị đại học; việc thực hiện giám sát các chủ thể trong nhà trường của xã hội; khả năng tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học; đổi mới chương trình đào tạo; hoạt động đào tạo theo chuẩn đầu ra…
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), Chiến lược phải đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới đối với nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số...; cập nhật nội dung, tư duy đổi mới trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030; tích hợp, liên thông với Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp…
Một số ý kiến đề xuất làm rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong chiến lược phát triển giáo dục để đảm bảo chất lượng và hiệu quả; giải quyết điểm nghẽn hiện nay trong tự chủ các cơ sở giáo dục; tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của địa phương trong phát triển giáo dục; thúc đẩy thể chế, chính sách về thu nhập của giáo viên, học phí, học bổng, quản trị trong nhà trường; tối ưu hóa nguồn lực cho giáo dục…
Bên cạnh đó, một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, giải pháp thực hiện phải xác định điểm đột phá thay vì “chung chung, dàn trải”, từ đó có thể tính toán nguồn lực khả thi, đánh giá được kết quả thực hiện cụ thể; đồng thời, cần tập trung xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ cho khu vực giáo dục tư nhân và có yếu tố nước ngoài như là một thành tố quan trọng của hệ thống giáo dục…
Theo TTXVN