Vì sao các địa phương không miễn học phí THCS như Hải Phòng, Đà Nẵng?
Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc biên soạn, đấu thầu, in và phát hành sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích trường THPT tổ chức lớp học theo môn lựa chọn
Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình mức chiết khấu sách giáo khoa lên đến 23%
Ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên, đồng ý với đề xuất miễn học phí bậc THCS trên toàn quốc từ năm học 2022 - 2023 của Bộ GD&ĐT. Theo ông, đây là đề xuất rất nhân văn, đúng thời điểm, đặc biệt là với học sinh nghèo, vùng khó khăn. Ông mong việc miễn học phí sẽ thực hiện ở cả bậc THCS và THPT.
Riêng với Phú Yên, từ trước đến nay, địa phương mới chỉ miễn học phí bậc tiểu học theo quy định trong Luật Giáo dục, chưa có phương án miễn học phí bậc THCS do điều kiện kinh tế còn khó khăn, không giống một số nơi như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh thực hiện miễn từ năm học trước.
Lý do nhiều nơi chưa miễn học phí THCS
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam, cũng mong đề xuất miễn học phí bậc THCS "cần làm càng sớm càng tốt". "Nếu Chính phủ đồng ý áp dụng ngay từ năm học tới 2022 - 2023 là rất tốt cho học sinh, phụ huynh", ông nói.
Theo ông Anh Tuấn, Hà Nam chưa có chính sách miễn học phí bậc THCS do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh phục hồi sau dịch COVID-19.
Chia sẻ quan điểm trên, đại diện Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho hay, việc thực hiện thu học phí thế nào, mức thu từng cấp học ra sao phụ thuộc quyết định của Hội đồng nhân dân các tỉnh. Cả nước hiện có 3 tỉnh, thành áp dụng chính sách miễn học phí toàn bộ các cấp học là Hải Phòng, Quảng Ninh và Đà Nẵng. Đây đều là những địa phương có kinh tế ổn định, nguồn thu ngân sách hàng năm lớn. Các địa phương khác một phần chưa cân đối được ngân sách, phần khác do chưa có chủ trương từ cấp trên.
Ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, thông tin, ngành giáo dục địa phương vẫn căn cứ Nghị định 81 của Chính phủ để xây dựng khung học phí từ cấp một đến cấp ba. Trong đó, chỉ bậc tiểu học được miễn học phí, còn bậc THCS, THPT vẫn thu theo quy định. "Khi nào nghị định này sửa đổi, địa phương sẽ căn cứ đó để quyết định", ông Thái nói.
Hầu hết Sở GD&ĐT đều chung quan điểm, nếu Chính phủ đồng ý miễn học phí bậc THCS cho học sinh cả nước từ năm học 2022 - 2023, các sở sẽ nghiên cứu, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét cân đối ngân sách để áp dụng chính sác nhân văn này ngay lập tức.
3 địa phương đầu tiên miễn học phí
Là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện hỗ trợ 100% học phí cho học sinh mầm non đến THPT, ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, nói, cách đây 4 năm, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết 54 về miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp. Việc miễn học phí cho bậc mầm non và THCS bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 - 2021. Học sinh bậc THPT được giảm học phí từ năm học 2021 - 2022.
Như vậy, đến nay, 100% học sinh các cấp ở thành phố được miễn học phí (trừ bậc tiểu học được miễn theo Luật Giáo dục). Mỗi năm, thành phố trích hơn 400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho giáo dục.
Chính sách tạo điều kiện để học sinh chú tâm việc học hơn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Kết quả được thể hiện rõ nhất là chất lượng giáo dục của TP Hải Phòng trong 2 năm học vừa qua được nâng lên, thông qua kỳ thi học sinh giỏi bậc THPT, Hải Phòng đạt được 85 giải, đứng thứ Nhì toàn quốc.
Bà Nguyễn Thị Thuý, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, cho hay, năm học 2021 - 2022, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, tỉnh giảm 100% học phí cho học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường công lập và tư thục đều được hỗ trợ. Số tiền này được trích ra từ ngân sách của tỉnh. Năm học 2022 - 2023, địa phương tiếp tục nghiên cứu, cân đối ngân sách để quyết có miễn học phí hay không.
Tại Đà Nẵng, lãnh đạo Sở GD&ĐT thành phố thông tin, sở vừa báo cáo UBND, trình HĐND về việc hỗ trợ học phí cho học sinh. Dự kiến, giảm 100% học phí cho tất cả học sinh từ cấp một đến cấp ba.
THANH BA - NGUYỄN VƯƠNG - XUÂN TIẾN