Trích dẫn thông tin chưa chính xác, PGS Trần Thành Nam xin lỗi
Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc biên soạn, đấu thầu, in và phát hành sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích trường THPT tổ chức lớp học theo môn lựa chọn
Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình mức chiết khấu sách giáo khoa lên đến 23%
Số liệu lao động trình độ cao đẳng, đại học trở lên thất nghiệp chiếm tỷ lệ 30,8% được PGS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu tại hội thảo "Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0" tổ chức ngày 8/10.
Tuy nhiên PGS.TS Trần Thành Nam mới đây công khai xin lỗi và thừa nhận có sự nhầm lẫn, dẫn tới hiểu sai về số liệu trên. Điều này gây ra những quan ngại cho cộng đồng về tỷ lệ người trình độ cao đẳng, đại học thất nghiệp trong xã hội; gián tiếp gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục.
PGS.TS Trần Thành Nam gửi lời xin lỗi đến Bộ GD&ĐT vì những tổn thương tinh thần không nên có. Ông cũng xin lỗi đến phóng viên báo chí và quý độc giả. "Đây là sơ suất nghề nghiệp và là bài học kinh nghiệm sâu sắc của tôi, cũng là trường hợp điển hình từ câu chuyện cá nhân mà tôi có thể chia sẻ với các thế hệ sinh viên về sự cẩn trọng trong mỗi phát ngôn, sự từ tâm - không gây hại dẫu chỉ vô ý và "tinh thần tự nhiệm" khi tham gia phục vụ cộng đồng", PGS Nam viết.
Liên quan vụ việc trên, Bộ GD&ĐT cũng phát đi thông báo khẳng định: "Số liệu 30,8% là thông tin cũ, được từ cập nhật năm 2020 và không chính xác".
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê tại Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, lực lượng lao động cả nước khoảng 54,84 triệu người. Trong hơn 1,2 triệu người thất nghiệp (tương ứng 2,18%) thì số người trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 30,8%, tức là khoảng 369.600 người.
Trong tổng số lao động của Việt Nam năm 2020, số người có trình độ đại học trở lên chiếm 11,1% và số người có trình độ cao đẳng chiếm 3,8%, tổng cộng tương đương 8,17 triệu người. "Như vậy, nếu theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020, thì tỷ lệ người lao động trình độ cao đẳng, đại học trở lên thất nghiệp là 4,85%, chứ không phải là 30,8% như phần trình bày và diễn giải trong hội thảo", Bộ GD&ĐT nêu.
Bộ GD&ĐT cũng thông tin thêm, trong tài liệu của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực cung cấp thì năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo chỉ 56%, số liên quan đến ngành được đào tạo là 25%, số không liên quan tới ngành đào tạo là 19%.
"Tuy nhiên, số liệu trên không phản ánh đúng bản chất, không đảm bảo độ tin cậy và không có tính đại diện cho hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng về tình hình sinh viên làm việc đúng ngành nghề đào tạo (nguồn thông tin khảo sát, phương pháp xử lý dữ liệu, mẫu nghiên cứu khảo sát từ một khảo sát trên diện hẹp của một nhóm khảo sát độc lập)", Bộ GD&ĐT nêu rõ.
Theo Bộ, khi khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp cần làm rõ các ngành đào tạo của giáo dục đại học khác với ngành nghề kinh tế - xã hội. Ví dụ, sinh viên tốt nghiệp ngành Toán hay Khoa học máy tính có thể làm ở bất cứ ngành nghề nào trong xã hội có ứng dụng toán hay khoa học máy tính.
Vì vậy, việc đặt câu hỏi khảo sát sinh viên tốt nghiệp về việc làm đúng ngành nghề hay không rất dễ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau và không cho kết quả tin cậy. Cách tiếp cận thông dụng trên thế giới là khảo sát sự phù hợp về trình độ chuyên môn của người tốt nghiệp với vị trí việc làm.
Bộ đang triển khai hợp tác với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để kết nối cơ sở dữ liệu giáo dục đại học với thông tin vị trí việc làm, khi hoàn thành sẽ cung cấp cho xã hội các thông tin tin cậy về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học.
Bộ GD&ĐT gửi văn bản đề nghị PGS.TS Trần Thành Nam đính chính thông tin, đồng thời, chấn chỉnh, nhắc nhở Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với những vấn đề nêu trên.
Hà Cường