Sáng tạo tổ hợp máy phát điện từ biển
Ý tưởng của các em học sinh Hải Dương đã giành giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 16 (2021-2022).
Trường THPT Hồng Quang: Địa chỉ giáo dục tin cậy
Cô phó hiệu trưởng tận tâm, nhiệt huyết với công tác giáo dục
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Hồng Quang nhiều nhất tỉnh
Cô Nguyễn Diệu Linh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Quang cùng 4 học sinh chế tạo mô hình “Tổ hợp máy phát điện nhờ năng lượng của thủy triều, sóng biển và dòng hải lưu”
Với đam mê nghiên cứu khoa học, 4 học sinh ở TP Hải Dương đã giành giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 16 (2021-2022) với mô hình sản phẩm “Tổ hợp máy phát điện nhờ năng lượng của thủy triều, sóng biển và dòng hải lưu”.
Đó là các em Lê Hải Anh, Vũ Ngọc Duy, lớp 12H Trường THPT Hồng Quang (hiện Hải Anh đã đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Duy đỗ Trường Đại học Quốc gia Hà Nội); Đặng Nguyễn Bảo Bình (lớp 11M Trường THPT Hồng Quang) và Nguyễn Bảo Quốc Huy (lớp 10 chuyên lý Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi).
Nói về ý tưởng mô hình này, em Hải Anh cho biết trong quá trình học tập và tìm hiểu tài liệu, các em thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu ngày càng lớn. Con người đã khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, nếu không có giải pháp kịp thời thì tương lai sẽ cạn kiệt, ảnh hưởng đến môi trường sống. Đất nước ta có rất nhiều đảo nhưng số lượng đảo có điện lưới quốc gia còn ít, phần lớn người dân phải dùng máy phát điện diesel vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tốn tiền mua nguyên liệu. Trong khi đó, nước ta có bờ biển dài, nếu tìm cách khai thác được nguồn năng lượng do biển tạo ra sẽ có nguồn năng lượng sạch vô hạn.
Sau khi tìm hiểu nhu cầu thực tiễn và các mô hình phát điện từ thủy triều, hải lưu, sóng biển có ở trong nước, các em thấy một số mô hình còn hạn chế. Vì thế, các em đã đề xuất ý tưởng với cô Nguyễn Diệu Linh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Quang và được cô đồng ý cũng như đồng hành trong suốt quá trình thực hiện. “Tôi thấy đây là một ý tưởng rất tốt. Các em thực hiện thành công sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, lâu dài cho người dân ở vùng ven biển, nhất là hải đảo, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường biển đảo”, cô Linh chia sẻ.
Khi bắt tay vào nghiên cứu, các em đã xây dựng, lắp đặt từng bộ phận khác nhau của 3 mô hình phát điện từ các nguồn năng lượng sóng biển, thủy triều và dòng hải lưu. Sau đó, lắp ráp thành tổ hợp. Nhằm khai thác triệt để, hiệu quả mô hình, tốn ít công sức lao động, các em còn chế tạo ra hệ thống giám sát và điều khiển tổ hợp. Một người có thể điều khiển nhiều tổ hợp trong cùng thời gian thuận tiện, dễ dàng. Điện năng từ ba nguồn phát độc lập sẽ đi qua bộ bảo vệ để tránh xung đột nhau rồi dẫn về tích điện ở bình ắc quy. Một bộ đổi điện từ DC12V sang AC220V phục vụ người tiêu dùng. Bảng điều khiển có thêm đồng hồ đo đếm điện để theo dõi mức hiệu điện thế phát ra.
Trong quá trình chế tạo, khó khăn nhất các em gặp phải là Hải Dương không có biển nên không tạo được sóng, các em phải chế tạo thêm mô hình giả lập sóng biển và thủy triều để thử nghiệm mô hình tổ hợp. Em Hải Anh cho biết thêm: “Chúng em đều muốn tự làm để công trình thật ý nghĩa nên tự tìm mua nguyên liệu, hàn các thanh sắt, quấn dây điện… Chỉ riêng hàn thùng giả lập sóng do quá lớn nên mới phải đi thuê”.
Từ lúc hình thành ý tưởng đến lúc mô hình hoàn thành, các em mất khoảng 3 tháng. Đây là thời gian rất có ý nghĩa mang tính quyết định đến tương lai khi 3 trong 4 em cần tập trung ôn thi tốt nghiệp, thi vào lớp 10 THPT công lập, trường đại học mà mình yêu thích. Với đam mê sẵn có, các em sắp xếp thời gian học tập hợp lý, hiệu quả. Ngọc Duy chia sẻ: “Chỉ những buổi không phải đi học thì em mới lên trường cùng các bạn nghiên cứu, lắp ráp mô hình, còn lại dành thời gian học tập. Ngoài tự nghiên cứu, cả nhóm được cô Linh hỗ trợ, chỉ bảo rất nhiệt tình và gia đình ủng hộ”.
Hy vọng trong thời gian tới, mô hình sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi để người dân các vùng hải đảo có điện dùng cũng như tiết kiệm, bảo vệ nguồn tài nguyên sản sinh ra điện.
THANH HÀ