Rời xa văn mẫu
Dạy và học môn ngữ văn lớp 10 theo chương trình mới tạo hứng thú hơn cho cả thầy và trò, giúp học sinh chủ động, sáng tạo, hạn chế học rập khuôn và viết theo văn mẫu.
Kết quả thi vào lớp 10 ở thị xã Kinh Môn tăng 7 bậc
Bình Giang xếp thứ nhất điểm trung bình thi vào lớp 10 THPT
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu không làm khó học sinh lớp 10 chuyển trường
Với cách tiếp cận mới, việc học văn của học sinh lớp 10 có nhiều thay đổi so với trước đây, sẽ tạo cho học sinh sự chủ động, sáng tạo, hạn chế tình trạng học rập khuôn và viết theo văn mẫu.
Hứng thú
Qua gần 1 tháng dạy và học môn ngữ văn lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều giáo viên và học sinh trong tỉnh đánh giá, chương trình mới có nhiều thay đổi, tạo hứng thú hơn cho cả thầy và trò.
Chương trình môn ngữ văn mới giúp học sinh sáng tạo, chủ động hơn trong cách tiếp cận văn bản. Trong ảnh: Học sinh lớp 10B Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương) làm việc theo nhóm trong tiết học môn ngữ văn
Ở chương trình kỳ I, học sinh sẽ học 4 chủ đề gồm: Thần thoại và sử thi; Thơ Đường luật; Kịch bản chèo và tuồng; Văn bản thông tin. Trong mỗi chủ đề lại có những bài học phù hợp. Sau khi học sinh thực hành đọc hiểu sẽ được tự đánh giá các tác phẩm.
Đây là điểm mới cốt lõi của việc dạy và học bộ môn này so với trước đây. Giáo viên sẽ không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế suy nghĩ của học sinh; tránh việc đọc và yêu cầu học sinh ghi máy móc. Giáo viên có thể sử dụng, khai thác ngữ liệu minh họa một cách hợp lý giúp học sinh hiểu được đặc điểm, hình thức, ngôn ngữ, phương thức biểu cảm của từng kiểu văn bản, từ đó giúp các em hình thành được kỹ năng viết văn. Với chương trình mới này, giáo viên khuyến khích học sinh hình thành ý tưởng, trình bày mạch lạc, sáng tạo, rời ra văn mẫu.
Với cách học như vậy, học sinh sẽ phải "làm việc" nhiều hơn so với trước đây. Mỗi bài học, các em sẽ chủ động tìm kiếm thông tin, sau đó đứng trước lớp chia sẻ hiểu biết của mình với các bạn khác. Các bạn sẽ nhận xét, bổ sung phần còn thiếu. Giáo viên sẽ chốt lại các vấn đề để học sinh có thể hiểu tổng thể của giờ học.
Nhận xét về phương pháp dạy và học mới, cô Phạm Thị Hậu, Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT Đoàn Thượng (Gia Lộc), trực tiếp dạy môn ngữ văn lớp 10 cho biết: "Với chương trình mới, khi thiết kế bài giảng, chúng tôi dành nhiều thời gian tìm kiếm thông tin để giải đáp thắc mắc của học sinh cũng như định hướng các em tiếp cận bài học đa dạng, phong phú hơn. Với một vấn đề, nếu không vi phạm các quy định pháp luật, thuần phong mỹ tục, không ra khỏi xu hướng chung của bài giảng thì mọi sáng tạo của học sinh đều được công nhận...".
Dù mới tiếp cận nhưng phương pháp này đã tạo hứng thú cho nhiều học sinh. Em Phạm Thị Thu Thùy, lớp 10C, Trường THPT Hồng Đức (Ninh Giang) cho biết khi học THCS, nhất là trong giai đoạn ôn thi tốt nghiệp, các em chủ yếu học theo phương pháp nghe giáo viên đọc, chép lại bài và học thuộc. Vì thế, khi tiếp cận phương pháp học văn mới em cảm thấy bỡ ngỡ nhưng khi đã quen, em thấy phương pháp này khá thú vị. Em chủ động tìm hiểu thông tin nên sẽ nhớ lâu hơn, được trao đổi, trình bày thể hiện ý kiến về bài học. Em và các bạn cùng làm việc chung để tạo ra một sản phẩm văn học đa dạng, phong phú vì có sự đóng góp công sức của nhiều người. "Em rất thích phương pháp học mới này vì được thể hiện cái "tôi" nhiều hơn, đồng thời thể hiện được tư duy qua mỗi bài học. Mới được tiếp xúc với phần thần thoại và sử thi nhưng với phương pháp học mới, khi đọc tác phẩm cùng thể loại này em sẽ biết cần phải tìm hiểu những thông tin gì, thông tin nào cần thiết, quan trọng cần phải ghi nhớ ", em Thùy nói.
Điều chỉnh phù hợp
Dù phương pháp học khá mới mẻ, hấp dẫn nhưng để áp dụng đại trà còn nhiều khó khăn, nhất là đối với một số trường ngoài công lập hoặc những học sinh chưa chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập. Em V.H., học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP Hải Dương) chia sẻ: "Em thấy phương pháp học này khá mới, em còn chưa quen. Nhiều câu hỏi khó đòi hỏi phải dành nhiều thời gian đọc, tìm tài liệu".
Đối với giáo viên, khi dạy ngữ văn lớp 10 theo chương trình mới cũng cần có những điều chỉnh phù hợp. Cô Ngô Thị Thảo, giáo viên dạy văn Trường THPT Hồng Đức cho biết do đây là trường ngoài công lập nên trình độ, nhận thức của học sinh khác nhau rất nhiều. Số lượng học sinh chủ động trong học tập chiếm 80% nên cô Thảo phải kết hợp cả 2 phương pháp dạy thì mới bảo đảm được chất lượng học của học sinh. "Chúng tôi vẫn giao phiếu công việc cho các em học khá, tích cực tìm tòi, sáng tạo. Còn với những em chưa chủ động, khi giảng dạy trên lớp chúng tôi vẫn nhấn mạnh những phần quan trọng, yêu cầu các em ghi vào vở, học và giáo viên sẽ kiểm tra", cô Thảo nói.
Tiết học ngữ văn lớp 10 của cô và trò Trường THPT Hồng Đức (Ninh Giang)
Theo đánh giá của cô giáo Phạm Thị Hậu, vẫn còn một phần nhỏ học sinh chưa chủ động, sáng tạo trong quá trình học. Với những em này cô Hậu cũng phải nhắc nhở các em chủ động ghi bài giảng vào vở để có tư liệu học tập.
Với mỗi phương pháp dạy và học mới sẽ có những thuận lợi, khó khăn khi áp dụng. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, chương trình học mới giảm tải nhiều so với chương trình cũ. Phương pháp học này sẽ giúp các em độc lập, có cách nghĩ, cách viết riêng, thể hiện được sự sáng tạo không giới hạn trong mỗi bài văn. Đây là phương pháp học được đánh giá cao và nên áp dụng với tất cả độ tuổi của học sinh.
THANH HÀ