Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu không làm khó học sinh lớp 10 chuyển trường

Trước ý kiến việc chuyển trường của học sinh lớp 10 khó khăn bởi tổ hợp môn học lựa chọn khác nhau, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương hỗ trợ tối đa người học.
Hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên.  Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết năm học 2022-2023 là năm thứ hai giáo dục trung học triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp THCS và là năm đầu tiên đối với cấp THPT. Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai dạy học. Bên cạnh những kết đạt được, theo ông Thành, vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Đó là việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số cơ sở giáo dục còn chưa phù hợp dẫn tới hiệu quả thực hiện chương trình một số môn học, hoạt động giáo dục chưa bảo đảm đúng theo yêu cầu của chương trình mới. Một số cơ sở giáo dục còn cứng nhắc trong triển khai chương trình các môn học/hoạt động giáo dục mới.  Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu, còn thừa thiếu cục bộ và thiếu so với quy định, đặc biệt là môn Âm nhạc, môn Mỹ thuật ở cấp THPT. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều. Việc tập huấn đội ngũ giáo viên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn bất cập. Tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương. Nhiều đề xuất triển khai chương trình lớp 10 Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép linh hoạt số học sinh/lớp với các môn/chuyên đề lựa chọn; cho phép các Sở tham mưu linh hoạt điều động, bố trí giáo viên phù hợp theo từng năm học. Một số vấn đề khác trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 như xây dựng, ban hành tài liệu giáo dục địa phương, mua sắm thiết bị dạy học, hướng dẫn việc tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… cũng được địa phương trao đổi.  Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang Nhận định đang có sự khập khiễng giữa giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, bà  Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD-ĐT Trà Vinh, đề nghị cần có chính sách quan tâm hơn nữa tới giáo dục thường xuyên, tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò của giáo dục thường xuyên.  Cũng để nâng cao chất lượng của giáo dục thường xuyên, ông Nguyễn Thế Dũng , Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai, đề nghị Bộ GD-ĐT tăng cường tập huấn cho cán bộ, giáo viên về nội dung, phương pháp học tập. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại hội nghị Trước ý kiến việc chuyển trường của học sinh lớp 10 gặp khó khăn bởi tổ hợp môn học lựa chọn khác nhau, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương cần hỗ trợ tối đa người học và không đặt ra bất kỳ rào cản nào cho học sinh khi chuyển trường. Công tác hướng nghiệp, phân luồng cũng phải được thực hiện bằng sự thuyết phục, qua sự lựa chọn của người học, không được triển khai cứng nhắc. Ông Kim Sơn đề nghị các Sở GD-ĐT tập trung đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá, đặc biệt với các môn học mới, trong đó, quan tâm tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Cùng với đó, Sở cần tăng cường các hội giảng trao đổi kinh nghiệm như một số Sở GD-ĐT đã triển khai có hiệu quả; tổ chức nhóm hỗ trợ để sẵn sàng giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc của đội ngũ giáo viên; dành sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn cho khối THCS. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng yêu cầu tăng cường hỗ trợ, chia sẻ, giám sát, dẫn dắt đội ngũ hiệu trưởng, bởi đây chính là “nhạc trưởng” của đổi mới ở cấp cơ sở. Cũng liên quan đến đội ngũ, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tái đi thực tế tại các trường phổ thông của giảng viên sư phạm. “Nếu xa lạ với thực tiễn đang diễn ra ở giáo dục phổ thông, không có trải nghiệm thực tế, không bám sát, nắm chắc thực tiễn đổi mới, đội ngũ này sẽ không thể dạy một cách hiệu quả cho giáo sinh - những giáo viên tương lai sẽ triển khai thực hiện chương trình mới”, ông Kim Sơn nêu. Theo Vietnamnet