Lại có "sạn" trong sách giáo khoa

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên đã chỉ ra những điểm chưa hợp lý, gây không ít khó khăn và băn khoăn trong việc chuyển tải kiến thức cho học sinh.

Không phải ngẫu nhiên câu chuyện sách giáo khoa (SGK) có "sạn" liên tục được đề cập trên các hội thảo, diễn đàn. Dù liên tục được phản ánh nhưng gần đây nhất, sách của Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam lại bị người dùng, chuyên gia phản ánh có "sạn".

Kiến thức không thống nhất

Cụ thể, cùng một bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống nhưng ở phần bài tập cuối chương 1 trong SGK Toán 6 (tập 1) ở các nhà in Cà Mau, Sóc Trăng, Quảng Nam có nội dung khác nhau.

Cụ thể, bài 1.54 SGK Toán 6 in tại Cà Mau có nội dung "Viết số tự nhiên a sau đây: Mười lăm tỉ hai trăm sáu mươi bảy triệu không trăm hai mươi mốt nghìn chín trăm linh tám". Ở câu b, bài này yêu cầu "Số a có bao nhiêu triệu, chữ số hàng triệu là chữ số nào?". Còn bài 1.54 SGK Toán 6 in tại Sóc Trăng đặt câu hỏi ở câu b đã không còn.

Tương tự, bài 1.59 SGK Toán 6 in tại Cà Mau có nội dung khác với bài 1.59 SGK Toán 6 in tại Sóc Trăng và Quảng Nam.

Chưa dừng lại ở đó, cùng một nhóm viết SGK Lịch sử và Địa lý của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống mà kiến thức lớp 6 và lớp 7 lại hoàn toàn trái ngược nhau.

Cụ thể, bài 8 (Ấn Độ cổ đại) SGK Lịch sử và Địa lý 6 có nội dung: "Miền Trung và miền Nam là cao nguyên Đê-can với rừng rậm và núi đá hiểm trở; chỉ có vùng cực Nam và dọc theo hai bờ ven biển là những đồng bằng nhỏ hẹp, là nơi sinh sống tương đối thuận lợi, dân cư đông đúc".

Nhưng ở bài 5 (Ấn Độ từ thế kỷ IV đến giữa thế kỷ XIX) SGK Lịch sử và Địa lý 7 lại cung cấp kiến thức cao nguyên Đê-can lại ở vùng Tây Nam. Cụ thể trong sách ghi: "Ấn Độ là một bán đảo lớn ở Nam Á. Phía Bắc bị ngăn cách với bên ngoài bởi dãy Hy-ma-lay-a hùng vĩ, ba mặt còn lại giáp biển khiến Ấn Độ được ví như "một tiểu lục địa". Địa hình chủ yếu là đồng bằng Ấn-Hằng ở miền Bắc, cao nguyên Đê-can rộng lớn ở miền Tây Nam...".

Lại có sạn trong sách giáo khoa - Ảnh 1.

Nội dung SGK Lịch sử và Địa lý lớp 6 và nội dung SGK Lịch sử và Địa lý lớp 7 cùng nội dung nhưng kiến thức khác nhau

Việc không thống nhất nội dung, chia nhỏ các kiến thức qua từng lớp học như vậy chia sẻ trước đó với báo chí, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là chuyên gia giáo dục độc lập, cho rằng sẽ khiến học sinh không có cái nhìn tổng thể cho môn học.

"Khi cắt nhỏ kiến thức chia ra ở từng lớp các em học môn Địa lý sẽ rất là chán trong khi thực tế Địa lý là môn học cần sự tổng thể. Thay vào đó chỉ cần có một cuốn, nội dung chia thành các chương có sơ đồ tư duy sẽ cung cấp kiến thức tốt hơn cũng như tiết kiệm chi phí mua sách" - bà Hương cho biết.

Giáo viên lúng túng

Có giáo viên THCS phản ánh bị lâm vào tình trạng lúng túng khi lên lớp: "Sách của tôi và sách của học sinh khác nhau. Tôi sẽ bị học sinh và phụ huynh đánh giá không hay nếu tôi đưa ra quyết định nội dung cuốn sách đúng. Các em học sinh ở độ tuổi THCS đã có chính kiến rất rõ ràng. Hai cuốn nội dung khác nhau đã dở, đây là 3 và biết đâu lại là 4 cuốn nội dung khác nhau? Vì vậy, đề nghị các NXB khi chỉnh sửa lỗi nên công khai với xã hội để giáo viên và học sinh được biết và điều chỉnh" - giáo viên này đề nghị.

Đánh giá về những sai sót này, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng đang có sự thiếu hụt đội ngũ biên soạn năng lực. Bản thân chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chưa được thử nghiệm bài bản. Rất có thể bộ SGK cũng chưa kịp thử nghiệm nghiêm chỉnh trên diện rộng để đánh giá và điều chỉnh dẫn đến nhiều sạn. Đặc biệt, phối hợp giữa phát triển chương trình giáo dục và người viết sách, NXB cộng với hệ thống đo lường đánh giá đang có độ vênh.

Nhưng dù sao đi chăng nữa, để những cuốn SGK sai về kiến thức là điều tối kỵ. Điều đó gây hoang mang, khó khăn cho giáo viên và học sinh khi dạy và học cuốn sách này.

Như năm học 2021-2022, có những lỗi sai nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, dẫn đến việc NXB phải thu hồi 148.000 cuốn như cuốn Khoa học Tự nhiên lớp 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, cũng của NXB Giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, hội chứng "tự mình mâu thuẫn với chính mình" trong biên soạn như cách biên soạn SGK Lịch sử và Địa lý lớp 6 và lớp 7 của bộ Kết nối tri thức nêu trên là không nên xảy ra, nhất là với những người biên soạn sách. Đừng để giáo viên hoang mang và lúng túng khi dạy và đừng để học sinh ngẩn ngơ, hoài nghi kiến thức thầy dạy bởi "lúc thì thế này, khi thì thế nọ". 

Theo Người lao động