Hàng loạt trường đại học đặt mục tiêu phát triển thành đại học
Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên tăng điểm chuẩn nhiều ngành học
Điểm chuẩn trúng tuyển vào Trường Đại học Thành Đông tương đương năm trước
Nam sinh Hải Dương trở thành thủ khoa ngành có điểm chuẩn cao nhất Đại học Bách khoa Hà Nội
Điểm lại những sự kiện giáo dục nổi bật năm 2022, hẳn sẽ ít người quên được câu chuyện về đại học và trường đại học từng gây nóng dư luận hồi cuối năm. Đây cũng là một trong những chủ đề được chương trình Táo Quân 2023 lựa chọn “điểm mặt” lên sóng.
Cụ thể, chương trình đã dành thời lượng khá dài (khoảng 13 phút) trao đi đổi lại về vấn đề trường đại học/đại học. Trong phần thi giải câu đố, Nam Tào đã đố các Táo phân biệt khái niệm về đại học và trường đại học với những phương án trả lời khiến ngay cả người nghe cũng dễ “rối não”.
Nội dung câu hỏi về phân biệt khái niệm đại học và trường đại học được Nam Tào đưa ra tại phần thi giải câu đố
Bên cạnh những giây phút giải trí, đây cũng là một vấn đề quan trọng chúng ta cần nghiên cứu, tìm hiểu. Việc nâng cấp từ “trường đại học” lên “đại học” được nhiều lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học kỳ vọng là một bước tiến quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa tính tự chủ đại học và đây cũng là cơ sở để có thêm những ưu tiên trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và đầu tư phát triển trường.
Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên chuyển từ trường đại học lên đại học sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (gọi tắt là Luật 34) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật 34 có hiệu lực thi hành.
Với sự phát triển tự thân các trường đại học, cùng xu thế tự chủ trong giáo dục đại học, dự báo trong thời gian tới, sẽ có thêm một số đại học được hình thành trên cơ sở nâng cấp từ trường đại học.
Hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng đang có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi, nâng cấp mô hình từ trường đại học lên thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo.
Cụ thể, theo Chiến lược phát triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giai đoạn 2020-2030, nhà trường xác định tầm nhìn trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, thuộc nhóm 5 đại học hàng đầu của Việt Nam.
Theo đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ xây dựng và chuyển đổi mô hình tổ chức thành đại học với 3 cấp, bao gồm: (1). Đại học; (2). Các trường thành viên, các viện/trung tâm nghiên cứu; (3). Các Khoa/ Bộ môn hoặc đơn vị chuyên môn. Bên cạnh các đơn vị này là hệ thống các đơn vị chức năng, dịch vụ, hỗ trợ công tác đào tạo.
Hệ thống các trường thành viên dự kiến bao gồm: Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế, Trường Khoa học và Công nghệ và một số các trường khác (theo điều kiện và lộ trình phát triển).
Tại lễ khai giảng năm học 2022-2023, Trường Đại học Cần Thơ cũng đã công bố thành lập 04 trường, 01 khoa và 01 viện mới, trên cơ sở các đơn vị hiện có (gồm Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Khoa Giáo dục Thể chất, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm).
Mặt khác, Trường cũng đang xúc tiến thủ tục thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng. Đây là những bước tiến quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2030, chuyển Trường Đại học Cần Thơ trở thành Đại học Cần Thơ.
Phát biểu nhân dịp kỉ niệm 55 năm thành lập trường, Giáo sư Nguyễn Thanh Phương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ cho hay:
“Trên con đường phía trước, Trường Đại học Cần Thơ tiếp tục xây dựng thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực và tiếp tục chuyển đổi nhanh từ lượng sang chất, chuyển đổi số theo hướng đại học thông minh, phấn đấu để trở thành một trong những trường chất lượng hàng đầu của Việt Nam và trên thế giới ở một số lĩnh vực”.
Ngay từ sớm, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có chủ trương phát triển thành Đại học. Tương tự Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng chủ trương thành lập 3 trường thành viên ở giai đoạn năm 2021-2025 nhằm chuẩn bị cho lộ trình tiến lên đại học.
Cuối tháng 10 năm 2021, 3 trường thành viên thuộc Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (UEH) chính thức được thành lập, gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và thiết kế UEH.
Theo kế hoạch phát triển của trường, đến giai đoạn 2026-2030 sẽ thành lập thêm Trường Quốc tế và nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường đại học của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, đến năm 2030, UEH sẽ trở thành đại học đa ngành có danh tiếng học thuật và bền vững trong khu vực Châu Á.
Một số trường khác cũng đã có định hướng phát triển thành đại học với nhiều trường thành viên như: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội định hướng trở thành đại học đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng đa năng, phát triển theo mô hình đại học thông minh.
Cuối năm 2021, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã mở mới một trường đầu tiên, có tên Trường Ngoại ngữ - Du lịch, trên cơ sở sát nhập 2 khoa Ngoại ngữ và khoa Du lịch.
Chưa triển khai nhưng Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh cũng từng vạch ra chiến lược phát triển lâu dài theo mô hình một đại học với 4 trường thành viên gồm: Trường nông nghiệp (College of agriculture), Trường công nghệ (College of technology), Trường kinh tế và phát triển (College of economics and development), Trường khoa học (College of science). Ngoài ra, còn có Viện Sau ĐH (College of graduate) Trung tâm đào tạo quốc tế và nghiên cứu công nghệ cao (School of international training and advanced technology research).
Khối các trường đào tạo ngành sức khỏe cũng có định hướng phát triển nâng cấp lên đại học. Cụ thể, Trường Đại học Y Hà Nội với tầm nhìn phát triển thành đại học nghiên cứu ngang tầm với các trường đại học y khoa hàng đầu ở châu Á; Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh định hướng phát triển thành đại học khoa học sức khỏe hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các đại học trong khu vực.
Theo Nghị định 99 của Chính phủ, trường đại học muốn chuyển thành Đại học cần đáp ứng các điều kiện cụ thể như: trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;
Về quy mô, yêu cầu cần có ít nhất 03 trường đại học thành viên hoặc có 03 trường thuộc trường đại học. Trường đại học phải có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 thì trường đại học được hiểu là cơ sở đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành; Đại học được hiểu là cơ sở giáo đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực với các đơn vị cấu thành cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung; và lĩnh vực được hiểu là tập hợp các nhóm ngành có điểm chung về kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ.
Theo yêu cầu phát triển, khi các cơ sở giáo dục đã phát triển đủ về “nội lực”, việc nâng cấp từ trường đại học lên thành đại học sẽ là cơ hội để các trường đổi mới cấu trúc và hệ thống quản trị bên trong, từ đó giúp tinh gọn hơn bộ máy quản lý, tập trung nguồn lực để phát triển hiệu quả hơn.
Đối với người học, đây cũng là cơ sở giúp sinh viên có cơ hội được hưởng thêm các chính sách đầu tư tập trung hiệu quả hơn, hay có thêm tự do trong việc lựa chọn các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường trực thuộc, hay lựa chọn được giảng viên giỏi nhất,...
Đây là những kỳ vọng về mặt lý thuyết. Trên thực tế, việc vận hành và phát triển mô hình đại học và trường đại học vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn luận thêm, như: sự kết nối giữa các trường đại học thành viên, giữa trường đại học thành viên với đại học, hay việc phát huy hiệu quả các nguồn lực, nguy cơ tăng thêm tình trạng quan liêu,...
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 267 cơ sở đào tạo bậc đại học (chưa tính khối an ninh quốc phòng). Trong đó, cả nước có 6 đơn vị đại học (gồm 2 đại học quốc gia, 3 đại học vùng và đại học Bách khoa Hà Nội) với những sứ mệnh và nhiệm vụ phát triển khác nhau.
Trong đó, đại học quốc gia có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở tầm quốc gia, gắn với những ngành nghề, lĩnh vực quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả đất nước.
Các đại học vùng lại gắn sứ mệnh của mình với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng vùng cụ thể.
Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, trên cơ sở tăng cường đầu tư, phát triển có trọng tâm, trọng điểm.
Theo Giáo dục Việt Nam