Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định: ‘Rất bức xúc, lo lắng về bạo lực học đường ’
Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc biên soạn, đấu thầu, in và phát hành sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích trường THPT tổ chức lớp học theo môn lựa chọn
Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình mức chiết khấu sách giáo khoa lên đến 23%
Bạo lực học đường không còn là vấn đề mới nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa. Tại Bình Định, chỉ trong chưa đầy 1 tháng xảy ra 2 vụ nhóm nữ sinh tìm đến tận nhà để hành hung bạn, quay video tung lên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc bởi sự manh động của giới trẻ.
VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định về vấn nạn này.
- Trong chưa đầy 1 tháng, tại Bình Định xảy ra 2 vụ nữ sinh tìm đến tận nhà hành hung bạn, quay video rồi đăng tải lên mạng xã hội, là người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh, tâm trạng của ông thế nào? Theo ông thì căn nguyên của vấn nạn này nằm ở đâu?
Trong chưa đầy 1 tháng, tại Bình Định xảy ra 2 vụ nữ sinh THCS (tuổi dưới 14) tìm đến tận nhà hành hung bạn rồi tung clip lên mạng xã hội, là người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh, tôi cảm thấy hết sức bức xúc và lo lắng. Có hội chứng đua đòi, bắt chước lối ứng xử bạo lực thường xuất hiện trong các trang mạng xã hội không lành mạnh.
Căn nguyên vấn đề này là những mâu thuẫn xảy ra hằng ngày trong học sinh mà nhà trường và gia đình chậm hoặc không phát hiện, giải quyết kịp thời. Các em tự giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
- Nhiều thầy cô giáo là hiệu trưởng nhà trường rất trăn trở khi nói về vấn nạn học đường đã và đang xảy ra ngày càng nhiều, sự "manh động" của giới trẻ cũng ngày càng tăng. Theo ông, việc phòng, chống bạo lực học đường nên là trách nhiệm của những ai?
Trước hết, tôi khẳng định phòng, chống bạo lực học đường là trách nhiệm chung của nhà trường, gia đình và xã hội. Tất cả phải chung tay đồng hành để bảo vệ, giáo dục học sinh.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là hình như trọng trách này đang bị dồn cho các cơ sở giáo dục.
- Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và đây là một trong những trách nhiệm của ngành Giáo dục. Việc triển khai quy định này tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh đạt kết quả và gặp phải những vướng mắc, hạn chế ra sao, thưa ông?
Sở GD&ĐT Bình Định đã triển khai các quy định và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh.
Tất cả các cơ sở giáo dục trong tỉnh đều xây dựng quy tắc ứng xử trong nhà trường, hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng Trường học thân thiện – học sinh tích cực”, phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn – Hội – Đội trong nhà trường, khắc phục tình trạng nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người. Hầu hết các em học sinh đều chăm ngoan, cố gắng trong học tập và rèn luyện.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ học sinh cá biệt vi phạm nội quy nhà trường. Các em còn nhỏ, dễ bị lôi kéo và bị cổ xuý bởi những trang mạng có nội dung tiêu cực nên việc xảy ra một vài vụ việc như các anh chị thấy là không thể tránh khỏi.
Cũng cần trao đổi thêm là học sinh cấp THCS hiện nay có xu hướng dậy thì sớm, tâm sinh lý các em có nhiều thay đổi, nhà trường nhất là giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ cần có định hướng đúng đắn cho các em trong suy nghĩ và ứng xử.
Sẽ có nhiều việc đáng tiếc hơn có thể xảy ra nếu các cơ sở giáo dục nhà trường chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng chống bạo lực học đường.
Vướng mắc thì nhiều, trong đó đáng tiếc nhất là sự thiếu gương mẫu, vô cảm của người lớn và tâm lý khoán trắng việc giáo dục đạo đức con em mình cho nhà trường.
- Quan trọng nhất là chúng ta cần có giải pháp khắc phục tình trạng bạo lực học đường. Ông có thể cho biết một số giải pháp của ngành Giáo dục Bình Định để hạn chế vấn nạn này?
Giải pháp chính thì không mới, vẫn là giải pháp truyền thống: Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội nhưng ở mức độ quyết liệt hơn, đồng bộ hơn.
- Về lâu dài, chúng ta có nên cứng rắn hơn đối với những vi phạm xảy ra trong phạm vi học đường không, thưa ông?
Xử lý những vi phạm xảy ra trong phạm vi học đường phải đúng quy định của ngành, đảm bảo tính giáo dục, cho các em thấy được sai lầm và sửa sai để trở thành công dân tốt.
Nếu cứng rắn đến mức cho các em vi phạm thôi học thì không nên. Tuy nhiên, chỉ cho tạm dừng đến lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng trong thời gian ngắn như hiện nay thì chưa đủ sức răn đe đối các em vi phạm nhiều lần.
Ngành giáo dục đã và đang tiến hành thay đổi cách tiếp cận, thay đổi môi trường giáo dục dạy- học trong nhà trường bằng cách xây dựng trường học hạnh phúc, nơi khoảng cách giữa người thầy và học sinh được rút ngắn, sẻ chia và thấu hiểu nhiều hơn.
Cùng phối hợp tạo ra một hệ sinh thái hạnh phúc cho các em là cách duy nhất để có thể giải quyết gốc rễ vấn đề.
- Được biết trong nhà trường hiện nay có môn Giáo dục công dân, lồng ghép các quy định pháp luật để dạy cho học sinh? Ông đánh giá thế nào về mức độ phù hợp của môn học này?
Theo tôi việc lồng ghép các quy định pháp luật để dạy cho học sinh thông qua môn giáo dục công dân là phù hợp. Nét mới trong giảng dạy giáo dục công dân là vừa cung cấp kiến thức, vừa bồi dưỡng nâng cao nhận thức vừa có những bài tập tình huống để các em vận dụng trong thực tiễn.
Vấn đề đặt ra là “học” gắn với “hành”. Mỗi ngày các em ở trường dưới 8 giờ, khoảng thời gian còn lại nhà trường cùng với gia đình và xã hội cùng chung tay (nhất là trách nhiệm cha mẹ học sinh) thì hiệu quả giáo dục sẽ nâng lên rất cao.
- Có quan điểm cho rằng, việc kỷ luật học sinh có hành vi bạo lực cần làm sao để đạt được hiệu quả mong muốn, để các em nhận thức được hành vi sai trái của mình, không tái phạm nhưng vẫn tạo cơ hội cho các em sửa sai? Ông có đồng ý với quan điểm này không?
Ngành nào cũng có thể có sản phẩm lỗi (phế phẩm) và có quyền bỏ đi sản phẩm lỗi để giữ thương hiệu, còn ngành Giáo dục thì không nên có sản phẩm lỗi. Chúng ta phải kiên trì giáo dục, phối hợp đồng bộ 3 môi trường giáo dục, vì tương lai của các em.
- Từ năm học 2018-2019, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phải lập và công khai đường dây nóng để các tầng lớp nhân dân cùng phản ánh khi xảy ra vụ việc. Vậy Bình Định thực hiện nội dung này như thế nào, thưa ông?
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã thực hiện nghiêm vấn đề này. Có 2 số điện thoại đường dây nóng được công bố rộng rãi và thường xuyên tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, không chỉ phản ánh vụ việc liên quan đến bạo lực học đường mà còn tiếp nhận thông tin phản ảnh, góp ý và xin tư vấn của người dân.
- Dường như các bậc phụ huynh hiện nay vì guồng quay cuộc sống mà thiếu sự quan tâm, quản lý con cái. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Hầu hết cha mẹ đều hết sức quan tâm đến con em mình, đặt kỳ vọng vào tương lai các em. Tôi nhận thấy các trường hợp học sinh vi phạm nội quy, thậm chí vi phạm pháp luật hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn như: cha mẹ ly hôn, cha mẹ làm ăn xa gửi cho ông bà nội ngoại già yếu chăm sóc, gia đình vất vả mưu sinh nên các em chưa được quan tâm đúng mức.
Đặc biệt, đáng báo động có học sinh vi phạm là con nhà khá giả về kinh tế nhưng vi phạm nội quy, vi phạm pháp luật từ sự nuông chiều quá mức của cha mẹ.
Tôi mong sao các bậc phụ huynh luôn tâm niệm rằng: Điều quý giá nhất mình để lại cho con không phải tiền bạc mà là nhân cách và tri thức./.
Xin cám ơn ông!
Nguyễn Gia