Giáo viên cả nước mong sớm bỏ thi thăng hạng chức danh để chuyên tâm vào dạy học

Giáo viên cả nước rất mong các cơ quan chức năng liên quan sớm xem xét bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp để họ chuyên tâm vào dạy học.

Ngày 4.8.2023, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo - đã có văn bản giải đáp “nóng” một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Nội dung văn bản cho biết, "đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng là có căn cứ. Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng."

Thông tin này được giáo giới trên cả nước đón nhận và mong mỏi thời gian tới họ không phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp nữa.

Người viết - là giáo viên bậc trung học phổ thông, nhận thấy nếu không phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thầy cô sẽ có thêm nhiều thời gian, công sức để đầu tư hiệu quả cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Kì thi thăng hạng đã và đang bộc lộ quá nhiều bất cập

Thứ nhất, tổ chức kì thi thăng hạng giáo viên các cấp gây tốn kém tiền bạc cho hội đồng thi bao gồm chi phí về cơ sở vật chất, văn phòng phẩm; kinh phí trả cho nhân viên phục vụ, giám thị, giám khảo, thanh tra kì thi.

Ví dụ, kì thi thăng hạng viên chức giáo viên bậc trung học phổ thông hạng III lên hạng II năm 2021 ở Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 600 người dự thi. Mỗi giáo viên phải đóng lệ phí thi 500.000 đồng (chưa kể học phí ôn thi và các chi phí ăn uống, đi lại) thì tổng số tiền là hàng trăm triệu đồng.

Nếu giáo viên các cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh dự thi thì kinh phí sẽ lên đến cả tỉ đồng. Trong khi, lương của giáo viên trung học phổ thông bậc 6 chỉ khoảng 10 triệu đồng. Hay nói cách khác, giáo viên phải chi khoảng 1/10 tháng lương cho việc thăng hạng nhưng không biết đỗ hay trượt.

Thứ hai, giáo viên vừa thi ngoại ngữ và chuyên môn thực sự gây áp lực và quá tải cho họ. Nhiều giáo viên (trừ giáo viên ngoại ngữ) đều rất khá vất vả với bài thi môn ngoại ngữ đạt điểm trung bình.

Điều này là tất nhiên, vì sau 10 năm ra trường (cho đến lúc thi thăng hạng), chẳng mấy giáo viên còn sử dụng đến ngoại ngữ vào công việc. Dĩ nhiên vẫn có giáo viên có năng lực ngoại ngữ, họ đọc thêm tài liệu bằng tiếng nước ngoài, nhưng con số này ở trường phổ thông chắc không nhiều.

Có chuyện bi hài mà người viết đã từng chứng kiến đó là một số đồng nghiệp của tôi không có khả năng ngoại ngữ nhưng họ vẫn đăng kí dự thi thăng hạng với niềm hi vọng sẽ đánh "lụi" đúng khoảng 50% phương án câu trắc nghiệm, nhưng rồi chẳng ai gặp may mắn cả.

Thứ ba, rất nhiều giáo viên lớn tuổi, có cả thầy cô sắp về hưu chia sẻ với tôi rằng, việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp như hiện nay không có ý nghĩa gì nhiều với việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Cả cuộc đời đi dạy học, nhiều giáo viên được lãnh đạo, đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh quý mến vì họ giỏi nghề, mến trẻ, có tâm với ngành giáo dục và đạt được nhiều thành tích trong công việc, chẳng hạn là giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp...

Lẽ ra, những giáo viên đạt thành tích cao như vậy thì họ phải được ưu tiên xét thăng hạng chứ không cần phải qua một kì thi sát hạch nào khác. Hơn nữa, việc xét thăng hạng còn là động lực giúp thầy cô cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp phát triển giáo dục.

Giáo viên cần dành nhiều thời gian cho Chương trình mới

Năm học 2023-2024 là năm thứ 3 bậc trung học cơ sở triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (đối với bậc trung học phổ thông là năm thứ hai).

Giáo viên đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, vì thế áp lực công việc của thầy cô cũng tăng lên gấp bội phần.

Thứ nhất, đối với bậc trung học cơ sở, giáo viên dạy đơn môn phải tập huấn chương trình, sách giáo khoa, tập huấn chuyển đổi số, soạn kế hoạch bài dạy (giáo án)...

Và có lẽ khó khăn nhất là những giáo viên phải dạy môn "tích hợp" như môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí.

Cái khó khi dạy những môn "tích hợp" là giáo viên phải học thêm kiến thức của những môn khác mà họ chưa từng dạy.

Ví dụ như trước đây, Chương trình 2006 có môn Vật lí, Hóa học, Sinh học thì giờ đây trong Chương trình mới, tích hợp lại là môn Khoa học tự nhiên. Tương tự, các môn Lịch sử, Địa lí thì tích hợp lại thành môn Lịch sử và Địa lí.

Vậy nên, có chuyện trước khi dạy tiết "tích hợp", giáo viên cả tổ Khoa học tự nhiên phải ngồi với nhau để lấy ý kiến chuyên môn của các đồng nghiệp. Vì giáo viên dạy Hóa học thì lại không biết về Vật lí hay giáo viên Vật lí lại không nắm được kiến thức Sinh học.

Để dạy được môn "tích hợp", nhiều địa phương đã và đang triển khai các lớp đào tạo ngắn hạn cho giáo viên.

Theo lí thuyết, trong vài tháng, giáo viên sẽ học thêm kiến thức của các môn trái chuyên ngành và lấy chứng chỉ để dạy tích hợp. Tuy vậy, việc dạy hiệu quả đến đâu thì chưa có một thống kê nào cho biết cả.

Thứ hai, ở bậc trung học phổ thông, giáo viên dạy Chương trình mới cũng nhọc nhằn không kém. Mặc dù không phải dạy "tích hợp" như các đồng nghiệp bậc trung học cơ sở, nhưng giáo viên trung học phổ thông phải nghiên cứu kĩ chương trình để có đủ kiến thức dạy học sinh thi tốt nghiệp.

Từ năm học 2022-2023, khi ngành giáo dục triển khai chương trình môn Ngữ văn 10, người viết phải nắm kĩ chương trình cả bậc trung học phổ thông.

Cùng với đó, tôi phải nghiên cứu cả 3 bộ sách: Cánh Diều, Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống để soạn kế hoạch bài dạy.

Mỗi bộ sách đều có những ưu, nhược điểm riêng, vì vậy tôi phải chắt lọc những nội dung hay và tham khảo thêm ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để soạn thành giáo trình cho riêng mình.

Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm còn phải dạy Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Chương trình giáo dục địa phương. Hai môn mới này, thầy cô chủ yếu tự học tự nghiên cứu vì họ chưa được đào tạo ở bậc đại học.

Cả giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn còn tìm hiểu thêm các khối thi đại học để tư vấn giúp học sinh lớp 10 chọn đúng tổ hợp môn phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp sau này của các em.

Hay nói cách khác, công việc soạn giáo án trước đây nhọc nhằn một thì bây giờ nhọc nhằn gấp nhiều lần. Chỉ riêng việc soạn giáo án điện tử cũng khiến giáo viên mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc (phải mua phần mềm).

Thứ ba, để dạy Chương trình mới hiệu quả, giáo viên các cấp phải hoàn thành các module theo quy định.

Theo đó, Có 9 module bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên mỗi cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) để phát triển năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Gặp module có nhiều nội dung, giáo viên phải học hành nghiêm túc cả tuần lễ thì mới mang lại hiệu quả trong việc dạy học.

Chẳng hạn, module 2: Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông gồm 3 nội dung:

1. Các xu hướng hiện đại về phương pháp, kĩ thuật dạy học và giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông;

2. Lựa chọn, sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo môn học/hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018;

3. Lựa chọn, xây dựng các chiến lược dạy học, giáo dục hiệu quả phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông.

Mỗi module, giáo viên phải đọc tài liệu, nghe video bài giảng và sau đó là làm bài thu hoạch. Nếu bài thu hoạch chấm "chưa đạt" coi như giáo viên phải học lại từ đầu rất mất thời gian.

Vậy nên, giáo viên cả nước rất mong các cơ quan chức năng liên quan chấp thuận bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp để thầy cô chuyên tâm cho dạy học.

Theo Giáo dục Việt Nam