Hà Nội thông qua học phí năm học mới, cao nhất 300.000 đồng

Chiều 4.7, HĐND TP Hà Nội phê duyệt học phí bậc mầm non, phổ thông năm tới, dao động 50.000-300.000 đồng một tháng và dừng chính sách hỗ trợ.
Học sinh trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, trong lễ khai giảng năm học 2022-2023 Theo đó, học phí với học sinh vùng thành thị là 300.000 đồng một tháng; vùng nông thôn 100.000-200.000 đồng, vùng dân tộc thiểu số 50.000-100.000 đồng. Mức này bằng với tờ trình của UBND hồi tháng 5. So với năm ngoái, khung học phí thực tế không tăng, song vì Hà Nội không còn áp dụng chính sách hỗ trợ, nên số tiền thực nộp của phụ huynh ở một số bậc học sẽ tăng gần gấp đôi. Ở nội thành, học sinh mầm non và THCS phải đóng học phí từ 155.000 đồng lên 300.000 đồng một tháng. Ở xã miền núi, học sinh THPT đóng 100.000 đồng một tháng, tăng hơn bốn lần so với mức cũ; bậc mầm non, THCS có mức đóng tăng khoảng hai lần, từ 19.000-24.000 đồng lên 50.000-100.000 đồng. Cũng trong kỳ họp này, HĐND thành phố thông qua mức trần học phí với các trường công lập chất lượng cao. Bậc mầm non và THCS không thay đổi so với năm ngoái, nhưng tiểu học và THPT tăng 7,5%, từ 5,4 lên 5,9 triệu đồng và từ 5,7 lên 6,1 triệu đồng.  Dựa vào mức trần và điều kiện của trường, của địa phương, các trường tự xây dựng mức học phí cụ thể. Hiện, Hà Nội có khoảng 20 trường chất lượng cao từ mầm non tới phổ thông. Những trường này có quy định riêng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sĩ số lớp 30-35 học sinh và phải tự đảm bảo chi thường xuyên (tiền lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...). Theo nghị quyết, nếu học trực tuyến, các trường công thu 75% học phí theo mức đã ban hành. Nếu học trực tiếp và trực tuyến trong cùng tháng, hình thức học nào trên 14 ngày thì thu học phí theo hình thức đó. Trẻ mầm non học ít hơn 14 ngày trong một tháng chỉ cần nộp một nửa học phí so với quy định; học trên 14 ngày phải nộp đủ. Lộ trình tăng học phí các cấp học đã được đề ra từ năm 2021, theo Nghị định 81 của Chính phủ. Theo đó, ở bậc mầm non và phổ thông, học phí khu vực thành thị dao động 300.000-650.000 đồng; khu vực nông thôn 100.000-330.000 đồng; vùng miền núi và dân tộc thiểu số từ 50.000 đến 220.000 đồng một tháng. So với mức trước đó (năm 2015), các mức trên tăng 2-5 lần. Sau khi dừng áp dụng khung học phí mới do ảnh hưởng của Covid-19, các địa phương đang xem xét tăng trở lại từ năm học tới. Theo VnExpress