Chuyển đổi số và khát vọng tỷ USD

Từ bờ vực phá sản, nhờ tiên phong chuyển đổi số, doanh nghiệp đã bứt phá, phát triển bền vững và hướng tới khát vọng tỷ USD.

Động lực

Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường.  

Có lịch sử lâu đời hơn 60 năm, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông được biết đến với sản phẩm dân dụng bóng đèn và phích nước. Năm 2019, công ty gặp “cú đúp” khó khăn do bị hỏa hoạn và dịch bệnh Covid-19. Thách thức đối với Rạng Đông là làm thế nào tạo được một động lực tăng trưởng mới. Từ đó, lãnh đạo công ty quyết tâm thực hiện chuyển đổi số.

Tháng 7.2019, Công ty thành lập Ban Xây dựng chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, và thành lập Tổ chuyên gia tư vấn chuyển đổi số. Ông Nguyễn Đoàn Kết, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, cho biết, sau 3 năm, doanh nghiệp đã vượt qua được xác suất thất bại và bước đầu thành công. 

Năm 2020, công ty tăng trưởng 15,6%; năm 2021, tăng trưởng 16%. Rạng Đông chuyển từ nhà sản xuất sản phẩm sang nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ; phát triển thêm lĩnh vực Smart Home, Smart City và Smart Farm. Rạng Đông kỳ vọng xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy LED hiện đại “Make in Vietnam” vào năm 2023. 

Mô hình dây chuyền tự động hóa của Rạng Đông

Doanh nghiệp đặt mục tiêu hoàn thành chuyển đổi số khối sản xuất thực với 70-80% dữ liệu được kết nối, tự động xử lý, phân tích trong hệ thống thống nhất vào năm 2025; tiến đến hoàn thành nhà máy thông minh vào năm 2030.

Cũng như Rạng Đông, Tập đoàn Sunhouse (chuyên sản xuất đồ gia dụng) xác định, chuyển đổi số là hướng đi chiến lược. Sunhouse đặt mục tiêu mở rộng phát triển những nhà máy có hàm lượng công nghệ cao, hoàn thiện chuỗi cung ứng nhằm “tự chủ sản xuất”, đem đến những sản phẩm có chất lượng mang tầm vóc quốc tế.

Năm 2021, Sunhouse bắt tay với ITG Technology triển khai giải pháp Nhà máy thông minh “Make in Vietnam”. Nhà máy nhựa xây dựng theo tiêu chuẩn ISA-95 của Hiệp hội Tự động hóa quốc tế. Ứng dụng mô hình nhà máy thông minh giúp hình thành “dòng chảy thông tin” xuyên suốt, từ xưởng sản xuất đến cấp độ quản trị cao nhất của tập đoàn.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sunhouse, cho biết, nhà máy thông minh và quản lý vận hành sản xuất realtime là mong muốn từ bấy lâu nay. Khi gặp đối tác phù hợp, doanh nghiệp kỳ vọng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Khát vọng 

Nói về câu chuyện chuyển đổi số của Sunhouse, ông Nguyễn Xuân Phú cho biết: “Chỉ cần một chiếc điện thoại để nắm toàn bộ dữ liệu của doanh nghiệp, tôi có thể nắm bắt thông tin biến động ngay lập tức. Thậm chí, chỉ một phiếu xuất nhập kho thì toàn bộ chỉ số thay đổi hiện rõ trên màn hình”. 

Điều ông Phú luôn trăn trở là phải làm sao đưa các sản phẩm, dịch vụ đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất, rẻ nhất trên nền tảng số và chi phí mình có. Doanh nghiệp cần dựa vào quy mô và tính chất giao dịch để áp dụng chuyển đổi số, tránh chạy theo phong trào mà không đem lại hiệu quả. 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đoàn Kết cho rằng, không có mô hình nào để tham khảo nên Rạng Đông chuyển đổi số “rất quyết tâm nhưng cũng đầy thận trọng”. Công ty chọn chuyển đổi tổng thể, toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm cả quy trình, công nghệ, tổ chức và con người. Khâu sản xuất thông minh và tái cấu trúc chiến lược sản phẩm trong nhiều năm (từ 2016-2021) đã được tập trung thực hiện. Trong khi hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ 4.0 cũng nhanh chóng hình thành, với các gói giải pháp “may đo” cho từng yêu cầu của người sử dụng (công ty, khách hàng... ). 

Được biết, Rạng Đông đang hướng tới mục tiêu nâng tầm thương hiệu lên tầm khu vực, trở thành doanh nghiệp tỷ USD vào năm 2030. Trong khi Sunhouse đặt mục tiêu trở thành thương hiệu tỷ USD vào năm 2025. Thông qua chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt đang khẳng định vị thế, lan tỏa văn hóa và trí tuệ Việt Nam, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường. 

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 98%. Để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu, chuyển đổi số là yếu tố bắt buộc.

Theo Vietnamnet