Bộ lọc "già nua" gây sốt trên TikTok
Botox, bộ lọc AI xuất hiện đầu tuần này trên TikTok, nhanh chóng thu hút với gần 200 triệu lượt sử dụng.
TikTok thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng các quy định mới của EU
Hiểm họa từ chơi TikTok
Sẽ công bố kết quả kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam vào tháng 7
Akinyi Obala, 24 tuổi, chưa bao giờ nghĩ đến ngày mình sẽ già đi, nhưng đã thay đổi sau khi sử dụng bộ lọc Botox của TikTok. "Tôi sốc", Obala, nhà sáng tạo nội dung có hơn 63.000 lượt theo dõi trên nền tảng, nói. "Khi đội mũ trùm đầu, tôi giống như một bà cụ. Còn khi không có mũ, tôi giống ông nội mình. Ông tôi thậm chí không già như thế".
Một người sử dụng hiệu ứng Botox (phải) và trong trạng thái bình thường
Trên TikTok, bộ lọc được sử dụng phổ biến, giúp người dùng hài lòng hơn với mình trong video, như "bóp" khuôn mặt, làm mịn da, kéo chân. Nhờ công nghệ AI, các bộ lọc trên nền tảng của ByteDance đã khắc phục hầu hết nhược điểm, thậm chí chân thực đến mức nhiều người không thể nhận ra.
Botox đang là một trong số các bộ lọc AI "làm mưa làm gió" với hơn 169 triệu lượt sử dụng dù mới ra mắt đầu tuần. Con số này vượt trội so với mức 6 triệu lượt sau 10 ngày của Bold Glamour hồi tháng 3 và hơn hẳn các bộ lọc khác trong cùng thời gian.
Nhiều người nổi tiếng, như nữ triệu phú 25 tuổi Kylie Jenner cũng thử xem khuôn mặt của mình sẽ thế nào khi về già. "Tôi không thích. Không thích nó chút nào", Jenner nói trong video đăng lên TikTok. Dù vậy, trong phần bình luận, cô lại nói "thích sự dễ thương này".
Những phản ứng trái chiều ngay trong chính bản thân Jenner cũng là cảm giác chung của người thử sử dụng Botox. Một số cho biết họ sợ phải nhìn mình già, nhưng lại tò mò và hào hứng vì muốn biết mình khi đó sẽ thế nào.
Vì sao bộ lọc Botox gây sốt?
Theo giới chuyên gia, lão hóa là nỗi sợ không chỉ riêng ai, trong đó có ở Mỹ. "Già hóa trong xã hội Mỹ được coi là một loại thất bại. Nỗi ám ảnh đó có thể giải thích tại sao các bộ lọc liên quan đến tuổi tác lại hoạt động tốt trên các nền tảng như TikTok", Larry Samuels, một chuyên gia tâm lý và văn hóa, giải thích.
Sarah Lamb, giáo sư nghiên cứu tâm lý học về lão hóa tại Đại học Brandeis, cho rằng trong sâu thẳm mỗi người đều sợ mình già. Do đó, họ muốn sớm thấy phiên bản sau này của bản thân để chuẩn bị các tình huống tâm lý.
"Đôi khi sợ hãi một điều gì đó, người ta lại càng bị thu hút bởi nó", Lamb nói. " Một số sử dụng bộ lọc cũng là vì ngoại hình trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều gắn liền với ý thức về bản thân của chính họ".
TikTok từ chối bình luận về các hiệu ứng liên quan đến tuổi tác.
Theo các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok, hiệu ứng này có thể gây lo lắng cho không ít người, nhưng cũng có tác dụng trong một số trường hợp nhất định. "Tôi đã xem rất nhiều video trong đó những người trẻ đưa cho bố mẹ xem hình ảnh của họ về già. Hầu như có cách nào khác để cha mẹ bạn thấy được bạn khi già đi sẽ thế nào", Obala nói.
Monica Kieu, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Newport Beach, cho biết đã xem một số video và cảm thấy sốc bởi cảm giác thực tế và độ chính xác của nó. "Hiệu ứng lan truyền vì nó thao túng nỗi sợ cơ bản của con người về tuổi già và cái chết", bà Kieu nói. "Tuy nhiên, nó cũng nhắc nhở rằng chúng ta là con người".
Theo VnExpress