Hiểm họa từ chơi TikTok

TikTok cho phép người dùng thỏa sức sáng tạo nội dung, chia sẻ kiến thức, sở thích... Tuy nhiên, nền tảng này đã gây nhiều hệ lụy cho người dùng.

Trong lúc chờ khám mắt, nhiều trẻ em vẫn tranh thủ lướt mạng, xem TikTok

Nhiều hệ lụy với trẻ em Chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam từ cuối tháng 4.2019, đến nay nước ta đã có gần 50 triệu người dùng TikTok, xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia sử dụng nền tảng mạng xã hội này nhiều nhất trên thế giới. Ở Hải Dương, có không ít người dùng là trẻ em, học sinh. TikTok hấp dẫn nhiều người bởi nó dễ làm, đáp ứng tiêu chí “độc, lạ, vui" theo hàng loạt trào lưu. Em Đỗ Minh K., học sinh lớp 6 ở thị trấn Gia Lộc cho biết em ít khi ra ngoài chơi cùng các bạn, rảnh rỗi em thường ở nhà làm TikTok về các hành tinh trong hệ mặt trời để hiểu biết thêm kiến thức và giải trí. Để tạo video trên TikTok, em K. lên mạng tải clip mô phỏng Trái đất, mặt trăng hay sao Mộc về cắt, ghép, lồng nhạc phù hợp, tạo hiệu ứng. Mỗi clip chỉ dài khoảng vài chục giây đến 1 phút, khi đăng gắn hashtag (những cụm từ viết liền đằng sau dấu # dùng để nhóm các nội dung tương tự lại với nhau) xu hướng, từ khóa, để clip có thể tiếp cận được nhiều người xem. "Mặc dù mất nhiều thời gian, nhưng em rất thích làm TikTok, hiện trang của em đã có hơn 1.000 người follow (theo dõi), nhiều video em làm có hàng nghìn lượt xem và nhiều bình luận", em K. nói. Tương tự, em N., học sinh lớp 4 ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) cho biết em mới biết làm TikTok từ đầu năm nay nên chỉ làm những clip đơn giản về ăn uống, nhảy nhót, ca hát. "Lớp em có nhiều bạn làm TikTok rất siêu, theo nhiều trend (xu hướng), chỉ vài phút là xong một clip ngắn, rồi đăng lên chia sẻ cho nhau, nhiều clip lạ kèm tiếng nhạc vui nhộn xem không biết chán", em N. vừa xem TikTok vừa nói. Em N. chia sẻ với chúng tôi những điều trên khi em cùng mẹ đến Bệnh viện Mắt quốc tế DND Hải Dương ở đường Trường Chinh (TP Hải Dương) khám mắt. Mẹ em N. cho biết đầu năm lớp 4 em ngồi phía cuối lớp, nhưng sang giữa kỳ 2 do em nhìn chữ trên bảng không rõ nên gia đình đã xin cho em ngồi lên phía trên. "Có thể do cháu xem điện thoại nhiều nên mắt bị kém đi, đợt kiểm tra sức khỏe cuối năm học vừa rồi, bác sĩ bảo mắt cháu bị cận thị nặng. Hôm nay tôi tranh thủ đưa cháu lên thành phố khám lại mắt và mua kính cận để cháu đeo", mẹ em N. nói. Rất nhiều trường hợp như em N. đã phải đến các bệnh viện về mắt và chuyên khoa mắt khám lần đầu hoặc tái khám. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hương Loan, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt quốc tế DND Hải Dương cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 15-20 cháu là học sinh tiểu học và THCS đến khám mắt, cuối tuần có ngày lên đến hơn 30 ca. Các ca đến khám chủ yếu bị giảm thị lực, tật khúc xạ như cận thị, loạn thị và viễn thị, có trường hợp nặng hơn như thoái hóa võng mạc, nhược thị, thậm chí mắt bị lác. Bác sĩ Loan cho rằng nguyên nhân các ca bị tật khúc xạ phần lớn do xem điện thoại nhiều, trong đó có nhiều cháu lướt mạng, xem TikTok. Không chỉ bị dị tật về mắt, xem TikTok nhiều cũng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ em. Bác sĩ Nguyễn Danh Quyền, Trưởng Khoa Nội nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương cho biết trẻ em xem điện thoại nhiều, trong thời gian dài rất dễ bị vẹo xương, trẹo cột sống do ngồi sai tư thế; bị ảo giác, mất tập trung ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt hằng ngày. Có trường hợp bị chậm nói, chậm lớn do kém ăn, ăn uống thất thường hoặc béo phì khi vừa xem điện thoại vừa ăn một cách thụ động dẫn đến rối loạn dậy thì đối với các em trong độ tuổi này. Đặc biệt xem nhiều video, trò chơi trên điện thoại có thể khiến trẻ bị mắc hội chứng TIC (rối loạn hành động).  Nhiều em học sinh cho biết cứ trên TikTok có cái gì thì xem cái đấy, không có sự chọn lọc. Điều này rất đáng lo ngại vì ngoài nội dung hữu ích, vui nhộn, TikTok có nhiều thông tin xấu độc như chửi thề, khoác lác, dung tục hoặc những trào lưu nguy hiểm như thách thức phá hoại vật dụng trong nhà, nhảy trước đầu xe ô tô, tự làm hại bản thân... Nhiều clip trên TikTok đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng.

Mỗi ngày có từ 15-20 em học sinh đến Bệnh viện Mắt quốc tế DND Hải Dương để khám mắt

TikTok không hợp tác sẽ bị cấm Để ngăn chặn những nguy cơ từ TikTok, cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp mạnh tay với nền tảng mạng xã hội này. Theo đó, từ ngày 15.5 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của nền tảng video ngắn TikTok. Mới đây nhất, tại một cuộc hội thảo do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, Cục trưởng Lê Quang Tự Do đã đưa ra thông điệp rõ ràng: “Thông điệp của chúng tôi là không gian mạng cũng như đời thật, phải chịu trách nhiệm thật. Nếu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới không hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ bị ngăn chặn hoạt động tại Việt Nam. Nếu TikTok không hợp tác với Chính phủ, với cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông thì chắc chắn nền tảng này sẽ bị cấm”. Trước khi chờ nhà chức trách có biện pháp siết chặt quản lý TikTok, để bảo vệ các em trước những trào lưu độc hại hoặc những hệ lụy từ TikTok, các nhà trường, gia đình cần thường xuyên tuyên truyền để các em sử dụng TikTok và các mạng xã hội khác một cách an toàn và hiệu quả. Cha mẹ cần quản lý chặt việc sử dụng điện thoại của con, chỉ cho con dùng trong một thời gian nhất định, hướng dẫn con đặt tài khoản TikTok ở chế độ riêng tư, cài đặt công cụ lọc để ẩn đi những nội dung xấu độc. Đặc biệt cần hướng dẫn con cư xử phù hợp khi trò chuyện, tương tác trên không gian mạng.

VĂN NGHIỆP