Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về nghi vấn in sách giáo khoa trước đấu thầu
Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc biên soạn, đấu thầu, in và phát hành sách giáo khoa
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lý giải vì sao giá sách giáo khoa mới cao hơn
Trả lời về chọn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục 2018
Phụ huynh lựa chọn sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: PV)
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa có văn bản trảo đổi lại ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa được bà Thúy nêu ra tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội của Quốc hội. Không in trước đấu thầu Tại nghị trường Quốc hội ngày 1.6, Đại biểu Thúy cho hay trong thư trả lời chất vấn đại biểu này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tái khẳng định ý kiến của đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng vào chiều 10.5: Tính đến ngày 30.4.2023, tỷ lệ in sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo chương trình giáo dục phỏ thông 2018 cho các khối lớp 4, 8, 11 đạt 79%. Trong khi đó, trên thực tế, ngày 5.5.2023, nhà xuất bản này mới có công văn mời thầu in sách giáo khoa lớp 4, 8 và lớp 11 để nhập các kho sách, thời gian mời thầu là 9 giờ ngày 21.5. Từ đó, đại biểu Thúy đặt vấn đề: “Như vậy có nghĩa là số lượng 79% sách giáo khoa mà nhà xuất bản báo cáo với Phó Thủ tướng đã được in trước khi đấu thầu.” Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định trong phần trả lời chất vấn của mình với Đại biểu Thúy không có nội dung như vị đại biểu này nêu. Cũng theo Bộ trưởng Sơn, tài liệu báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong cuộc họp với Phó Thủ tướng đề cập đến kế hoạch in ấn và phát hành sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11. Theo đó, để kịp với tiến độ in và có sách sách trước khai giảng năm học 2023-2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dự kiến kế hoạch in sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 với số lượng tương ứng 79% kế hoạch in dự kiến để lựa chọn nhà cung cấp và dự kiến việc in sách giáo khoa sẽ hoàn tất trước ngày 30.6. “Như vậy, số lượng in 79% trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là số liệu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để lựa chọn nhà thầu, in so với dự kiến kế hoạch phát hành sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 cho năm học 2023-2024. Đây không phải con số đã in. Thông tin mà đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu tại hội trường ngày 1.6 không có trong văn bản chuẩn bị cho cuộc họp cũng như trong nội dung phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp,” Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định. Lắng nghe và cầu thị Về các vấn đề sai sót trong sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới được đại biểu Thúy đặt ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay trước một vài hạn chế, thiếu sót trong sách giáo khoa được dư luận phản ánh, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn chỉ đạo các nhà xuất bản giải trình, tiếp thu các ý kiến xác đáng được phản ánh, tổ chức rà soát nội dung sách giáo khoa, báo cáo những nội dung cần chỉnh sửa, trình hội đồng quốc gia thẩm định sách xem xét, thông qua theo quy định. Khi tiếp nhận các báo cáo của các nhà xuất bản, bộ đã nghiêm túc yêu cầu hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định sách giáo khoa rà soát, kiểm tra và có kết luận cụ thể các nội dung được phản ánh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉnh sửa, bổ sung quy trình biên soạn, thẩm định để nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Trước ý kiến phê bình của Đại biểu Thúy cho rằng “hiện nay hầu hết các ý kiến phê bình, góp ý không được các nhà xuất bản và bộ trả lời,” Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Với sự trân trọng và tinh thần cầu thị, bộ đã có văn bản trả lời tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri gửi tới bộ, trong đó có nhiều ý kiến về chương trình, sách giáo khoa phổ thông.” Cũng theo Bộ trưởng Sơn, đối với các ý kiến của đại biểu Thúy, bộ đã trả lời đầy đủ các phiếu chất vấn về các vấn đề liên quan đến tiến độ cung cấp sách giáo khoa, việc lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương và các vấn đề liên quan đến năm học mới. "Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà xuất bản đã cầu thị, lắng nghe các ý kiến cử tri, ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội để làm cho việc biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa ngày càng được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông," Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay.
Theo Vietnam+