Apple, Samsung và những công ty nào đã cấm ChatGPT?

Ngày càng nhiều người sử dụng ChatGPT phục vụ công việc, đồng nghĩa nguy cơ lộ lọt thông tin mật cũng gia tăng.
Đây là lý do nhiều công ty lớn, bao gồm Amazon, Goldman Sachs và Verizon đã cấm hoặc hạn chế chatbot ChatGPT của OpenAI. ChatGPT sử dụng dữ liệu từ các cuộc hội thoại với người dùng để cải thiện độ chính xác.

Tất nhiên, không thể phủ nhận tác dụng mà ChatGPT nói riêng và các công cụ AI tạo sinh nói chung mang lại cho doanh nghiệp. Nó giúp tăng năng suất lao động, giảm thời gian làm các việc có tính lặp lại cho nhân viên. Một số hãng như Coca-Cola, Bain & Company còn ký hợp tác với OpenAI.

Nhiều doanh nghiệp cấm nhân viên dùng ChatGPT do nguy cơ lộ lọt dữ liệu

Tuy nhiên, với nhiều nhà tuyển dụng, nguy cơ bảo mật còn đáng quan tâm hơn. Đầu tháng 4, Samsung cho biết nhân viên vô tình làm lộ mã nguồn nội bộ và ghi âm cuộc họp khi dùng chatbot.

Dưới đây là danh sách các công ty hạn chế hoặc cấm hoàn toàn ChatGPT:

Apple

Apple hạn chế nhân viên dùng ChatGPT và các công cụ AI của bên thứ ba vì lo ngại rò rỉ dữ liệu tuyệt mật. Nhà sản xuất iPhone còn yêu cầu nhân viên không dùng chương trình viết phần mềm tự động Copilot do GitHub và OpenAI phát triển. Apple đang nghiên cứu công cụ AI riêng dưới sự dẫn dắt của John Giannandrea, một cựu tướng Google.

Bank of America

Ngân hàng Bank of America bổ sung ChatGPT vào danh sách các ứng dụng không được phép sử dụng trong công việc. Họ là một trong nhiều ngân hàng áp dụng các biện pháp tuân thủ nghiêm ngặt xoay quanh liên lạc nội bộ sau khi bị nhà chức trách Mỹ phạt hơn 2 tỷ USD vì không giám sát việc sử dụng các ứng dụng như WhatsApp.

Calix

CEO Michael Weening thông báo đã cấm ChatGPT trên mọi tính năng và thiết bị từ tháng 4. Ông dẫn vụ lộ thông tin của Samsung làm lý do cho lệnh cấm. Weening lo ngại ChatGPT có thể làm lộ dữ liệu nhạy cảm như thông báo nội bộ, hợp đồng khách hàng cho người ngoài.

Citigroup

ChatGPT nằm trong danh sách phần mềm bên thứ ba tự động bị cấm của Citigroup. Người phát ngôn của tổ chức cho biết đang tìm hiểu nguy cơ và lợi ích gắn với công nghệ này.

Deutsche Bank

Truy cập ChatGPT của nhân viên Deutsche Bank bị vô hiệu hóa từ tháng 2. Đây là thực hành tiêu chuẩn đối với các website bên thứ ba, nhằm bảo vệ dữ liệu trước nguy cơ bị rò rỉ. Trong thời gian chờ đợi, ngân hàng sẽ tìm cách phát huy tốt nhất chatbot nhưng vẫn phải bảo vệ được dữ liệu của khách hàng và của riêng mình. Deutsche Bank đang phát triển chatbot AI riêng.

Goldman Sachs

Cũng tư Citigroup, Goldman Sachs chặn truy cập ChatGPT thông qua quy trình tự động. Goldman đang phát triển công cụ AI riêng nhằm đơn giản hóa các tác vụ như phân loại tài liệu, tóm tắt báo cáo kinh doanh.

JPMorgan Chase

Ngân hàng lớn nhất của Mỹ hạn chế nhân viên dùng ChatGPT từ cuối tháng 2. Đây là một phần trong biện pháp kiểm soát phần mềm bên thứ ba tiêu chuẩn. Tuy nhiên, ngân hàng có thể sử dụng công cụ trong tương lai.

Northrop Grumman

Công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ cấm ChatGPT từ đầu năm, tuyên bố sẽ không chia sẻ thông tin công ty, khách hàng với bên ngoài trước khi được kiểm duyệt.

Verizon

Gã khổng lồ viễn thông cũng lo ngại về quyền riêng tư, bảo mật với ChatGPT. Verizon thông báo nhân viên không được dùng hệ thống nội bộ truy cập chatbot từ giữa tháng 2 do nguy cơ đánh mất thông tin nhạy cảm như dữ liệu khách hàng, mã nguồn.

Samsung

Tập đoàn Hàn Quốc cấm nhân viên dùng ChatGPT và công cụ AI tạo sinh khác từ đầu tháng 5. Lệnh cấm được đưa ra sau khi các kỹ sư vô tình làm lộ thông tin nhạy cảm, bao gồm mã nguồn và ghi âm cuộc họp vào tháng 4 khi tải lên chatbot. Bản thân Samsung phát triển công cụ AI riêng để nhân viên sử dụng trong phát triển phần mềm, dịch thuật, tổng hợp tài liệu.

Ngoài ra, một số công ty không cấm hoàn toàn ChatGPT mà chỉ yêu cầu nhân viên không chia sẻ thông tin mật lên nền tảng, chẳng hạn Accenture, Amazon, PwC Australia…

Theo Vietnamnet