AI viết luận như sinh viên không học nhưng tự tin trả lời đúng
Công ty tìm kiếm Internet lớn nhất Hàn Quốc ra mắt đối thủ của ChatGPT
Các doanh nghiệp Mỹ thận trọng khi sử dụng ChatGPT trong công việc
Đã có ứng dụng phát hiện nội dung ChatGPT tạo ra, giả dạng con người
Viết luận bằng AI là vấn đề khiến nhiều giáo sư đại học lo lắng
"Một kẻ ngớ ngẩn nhưng lại tự tin rằng nó có thể viết ra những điều vô nghĩa đầy thuyết phục", đây là mô tả về một chương trình viết bằng trí tuệ nhân tạo đang khiến chính những người tạo ra nó phải đau đầu, theo The Guardian.
Từ đầu tháng 12, ChatGPT, phần mềm tạo văn bản dựa trên hoạt động của AI, đã được phát hành cho công chúng sử dụng. Phần mềm này nhận nhiều lời khen và vô số lời chỉ trích về chất lượng đầu ra.
Người dùng có thể đặt những câu hỏi đơn giản như "ngọn núi cao nhất ở Anh tên gì", đến những yêu cầu ngớ ngẩn như "viết một bài thơ 5 dòng để giải thích luật việt vị". Dù đặt những câu hỏi nào, người dùng đều nhận được những câu trả lời rõ ràng, mạch lạc được viết bằng tiếng Anh.
Hiệu trưởng và giảng viên các trường đại học bày tỏ lo ngại ChatGPT có thể đưa ra những câu trả lời thuyết phục cho các đề thi, từ đó gây ra làn sóng gian lận trong học tập và thi cử.
Trước những lo ngại rằng chatbot AI có thể viết những bài luận thuyết phục, dù đôi khi nó sử dụng những thông tin không hoàn toàn đúng, OpenAI - công ty tạo ra chatbot AI - đang phải chạy đua để ngăn cản tình trạng "AIgiarism", hay còn gọi là đạo văn có sự hỗ trợ của AI.
Ông Scott Aaronson, nhà nghiên cứu mới của dự OpenAI, cho biết công ty đang tạo hệ thống chống gian lận bằng cách "đánh dấu thống kê các kết quả đầu ra". Cụ thể, công nghệ này sẽ hoạt động bằng cách điều chỉnh các lựa chọn về văn bản của ChatGPT, từ đó, họ có thể dự đoán ai đang tìm kiếm những văn bản do AI tạo ra.
Theo ông Aaronson, cách này có thể hữu ích trong việc ngăn chặn đạo văn, nhưng nó cũng có thể gây ra một số rủi ro, ví dụ như tạo ra những thông tin tuyên truyền sai lệch, hoặc giả mạo lối viết của ai đó để buộc tội họ.
Chatbot này không hoạt động trơn tru 100%. Nó có xu hướng "ảo tưởng" những sự thật không hoàn toàn đúng.
Nhà phân tích công nghệ Benedict Evans đã mô tả chatbot "giống như một sinh viên chưa tốt nghiệp tự tin trả lời câu hỏi dù họ không tham gia buổi học nào, giống như một kẻ ngớ ngẩn nhưng lại tự tin rằng nó có thể viết ra những điều vô nghĩa đầy thuyết phục".
Nhưng công nghệ này lại được những kiểu sinh viên như vậy sử dụng vì họ cần nhanh chóng tạo ra một bài luận để được chấm điểm qua môn.
Kể từ khi ChatGPT được phát hành, nhiều tổ chức đã phải thiết lập các chính sách mới để ngăn chặn tình trạng đăng tải các văn bản do AI tạo ra. Stack Overflow, chuyên trang hỏi đáp dành cho các lập trình viên, đã cấm người dùng đăng các câu trả lời do ChatGPT viết.
Quản trị viên của Stack Overflow nói rằng họ áp dụng lệnh cấm vì các câu trả lời do ChatGPT trông có vẻ đúng và dễ tạo, nhưng thực tế là những câu trả lời đó có tỷ lệ sai rất cao.
"Nhìn chung, tỷ lệ nhận được câu trả lời đúng từ ChatGPT quá thấp nên việc đăng câu trả lời do ChatGPT tạo ra sẽ gây hại đáng kể cho những người đang muốn tìm câu trả lời đúng", quản trị viên lý giải.
Theo Zing