9 đại học Việt Nam đạt tiêu chuẩn nước ngoài
Cả nước có 9 trường đại học được công nhận đạt chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài, tăng hai so với năm ngoái.
ASEAN vinh danh trường học và nhà sinh thái trẻ của Việt Nam
Mã độc đánh cắp tài khoản Facebook gia tăng mạnh tại Việt Nam
Giáo dục Việt Nam tăng 5 bậc, đứng thứ 59 thế giới
Hai trường mới được công nhận, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến hết tháng 7, gồm trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và Đại học Anh Quốc Việt Nam.
7 trường còn lại đã có trong danh sách từ năm ngoái, gồm: trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Xây dựng, Khoa học tự nhiên Hà Nội, trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).
Các cơ sở giáo dục nói trên được đánh giá bởi 4 tổ chức nước ngoài, theo tiêu chí của các tổ chức này. Đó là HCERES - Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp; AUN-QA - Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN; FIBAA - Quỹ Kiểm định các chương trình Quản trị kinh doanh quốc tế và QAA - Cơ quan đảm bảo chất lượng giáo dục đại học ở Vương quốc Anh.
Khuôn viên trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Ảnh: UEH
Trong khi đó, 183 trường đại học và 11 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước, tức do tổ chức kiểm định trong nước đánh giá, theo các tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mỗi tổ chức đều đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học và từng chương trình đào tạo ở nhiều mặt. Tuy nhiên, trọng số của các tiêu chí và tư duy đánh giá có thể khác nhau.
Ví dụ, bộ tiêu chuẩn của HCERES gồm 6 lĩnh vực: Chiến lược và quản trị (sứ mạng, chiến lược phát triển, tổ chức thực hiện chiến lược, truyền thông); đào tạo và nghiên cứu khoa học (chính sách đào tạo, nghiên cứu, các loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học); quá trình đào tạo và định hướng hội nhập nghề nghiệp (môi trường học tập và quản lý đào tạo); quan hệ đối ngoại; quản lý và điều hành (hệ thống tài chính, tài sản, nhân lực, hệ thống thông tin); chất lượng và đạo đức (chính sách đảm bảo chất lượng, đạo đức trong đào tạo, nghiên cứu).
Bộ tiêu chuẩn trong nước cũng bao phủ nhiều lĩnh vực như đảm bảo chất lượng về chiến lược, hệ thống, thực hiện chức năng (tuyển sinh và nhập học, thiết kế và rà soát chương trình dạy học, giảng dạy và học tập, đánh giá người học, các hoạt động phục vụ người học, quản lý nghiên cứu khoa học,...), kết quả hoạt động.
Hiện cả nước có 13 tổ chức kiểm định chất lượng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép, trong đó có 7 cơ sở trong nước. Theo Luật giáo dục đại học sửa đổi (năm 2018), việc kiểm định là bắt buộc và định kỳ, nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Đối tượng của kiểm định là cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo. Hai việc này tách biệt nhau. Do đó, ngoài danh sách trường đại học, Bộ cũng công bố danh sách chương trình đào tạo đạt chuẩn, gồm 864 chương trình đạt chuẩn trong nước và 399 chương trình đạt chuẩn nước ngoài (danh sách).
PGS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết việc đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo đánh giá của tổ chức trong nước và quốc tế, giúp các trường gia tăng uy tín, là minh chứng đảm bảo chất lượng. Đây cũng là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường thực hiện quyền tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo năng lực đào tạo.
Quá trình kiểm định chất lượng, các trường đại học được các tổ chức kiểm định chỉ ra những điểm yếu để từ đó khắc phục, giúp chất lượng của trường được nâng lên. "Đây là điều rất quý", ông Điền nói.
Trước đó, theo Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý học phí công lập, với chương trình đạt kiểm định chất lượng, các trường được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó.
Theo VnExpress