7 trường sư phạm dùng chung kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh

6 trường sư phạm thống nhất công nhận và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức để tuyển đầu vào.

Ngày 6.3, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, cho biết sáu trường gồm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, và các trường sư phạm trực thuộc Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Vinh. Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh có 6 bài thi độc lập: toán học, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, tiếng Anh. Các bài thi toán, lý, hóa, sinh có thời gian làm bài 90 phút, gồm 50 câu hỏi, trong đó 35 câu trắc nghiệm bốn lựa chọn, 15 câu dạng trả lời ngắn. Bài thi ngữ văn gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm bốn lựa chọn, một bài viết nghị luận xã hội, thời gian làm bài 90 phút. Riêng bài thi môn tiếng Anh có thời gian làm bài 180 phút với bốn phần nghe, nói, đọc, viết. Theo ông Trung, đề thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông, trong đó phần kiến thức lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%, còn lại là kiến thức lớp 10, 11. Thí sinh có thể đăng ký một hoặc nhiều bài thi, tùy vào nhu cầu và tổ hợp xét tuyển. Thí sinh làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường quy định. Hai đợt thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh diễn ra vào 13-14.5 và 10-15.7. Đợt 1 thi tại TP Hồ Chí Minh, thí sinh đăng ký thi trực tuyến từ ngày 20.3 đến 25.4, nhận kết quả sau hôm thi khoảng hai tuần. Đợt hai của kỳ thi dự kiến được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, thí sinh đăng ký thi trực tuyến trong cả tháng 6, nhận kết quả từ 23 đến 28.7.

Ông Nguyễn Ngọc Trung (đứng) thông tin về kỳ thi hôm 28.2. Ảnh: HCMUE

Năm 2022, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh có khoảng 2.000 thí sinh tham gia. Điểm trúng tuyển của phương thức xét kết hợp điểm học bạ THPT và điểm thi đánh giá năng lực từ 19,58 đến 28,04 điểm. Năm nay, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh sẽ dành 40% tổng chỉ tiêu để xét tuyển bằng phương thức kết hợp điểm thi đánh giá năng lực và kết quả học tập THPT, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Các trường khác chưa công bố chỉ tiêu cụ thể dành cho điểm thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, trước đó các trường này cũng thống nhất công nhận và dùng điểm thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức để xét tuyển đầu vào. Đến nay, 10 cơ sở giáo dục đại học đã thông báo tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Sài Gòn, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh và các trường thuộc Bộ Công an. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.

Theo VnExpress