6 mốc tuổi dạy về giới tính cho con của nữ tiến sĩ ngành y 

Tôi thường giáo dục giới tính cho hai con gái của mình theo các mốc tuổi như sau: Khi con mới biết đi; Trước 5 tuổi; Từ 5-8 tuổi; Từ 9-13 tuổi; Từ 14-18 tuổi; Sau 18 tuổi.

Sự việc em học sinh lớp 7 tại Bắc Giang tự sinh con tại nhà vào ngày 11/2/2023 vừa qua làm nhiều người giật mình không thể tin nổi.

Đây được coi là tiếng chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh về tầm ảnh hưởng quan trọng của việc giáo dục giới tính con em của mình.

Trong thực tế, có rất nhiều cha mẹ thường dè dặt và né tránh trong vấn đề giáo dục giới tính cho con. Cách ứng xử như vậy là sai lầm nghiêm trọng dẫn đến hệ lụy vô cùng to lớn: khi thắc mắc của các em không được giải đáp thỏa đáng làm khơi gợi nên tính tò mò trong suy nghĩ. Nghiêm trọng hơn, chính tính tò mò sẽ thôi thúc các em tự tìm hiểu về giới tính, tình dục trên mạng hoặc qua các kênh thông tin khác kém chất lượng, không lành mạnh.

6 mốc tuổi để dạy về giới tính

Câu chuyện về giáo dục giới tính luôn là đề tài mang lại rất nhiều trăn trở cho các bậc phụ huynh trong giai đoạn hiện nay: nên bắt đầu dạy con khi nào? Nội dung giáo dục giới tính như thế nào? 
Theo tôi, việc giáo dục giới tính cho trẻ cần được thực hiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Mỗi độ tuổi sẽ có cách giáo dục khác nhau để đảm bảo trẻ tiếp thu hiệu quả nhất. 
Tôi thường giáo dục giới tính cho hai con gái của mình theo các mốc tuổi như sau: Khi con mới biết đi; Trước 5 tuổi; Từ 5-8 tuổi; Từ 9-13 tuổi; Từ 14-18 tuổi; Sau 18 tuổi.


Việc giáo dục giới tính sẽ giúp trẻ có những thông tin cần thiết để hiểu cơ thể của chính mình theo hướng tích cực.

Tùy vào từng độ tuổi, đối tượng và tính cách của mỗi trẻ mà chúng ta có cách nói chuyện, chỉ bảo. 

Cha mẹ cần biết cách chia sẻ những thắc mắc của con cái cũng như là chỗ dựa tinh thần cho con. Nguyên tắc dạy con là thẳng thắn, không ngại ngần, luôn là người bạn đồng hành của con. Bởi khi nói về con người, những bộ phận và chức năng của con người mà chúng ta giữ cảm giác xấu hổ thì vô tình, chúng ta đã lan tỏa cảm xúc này đến cho trẻ, trẻ sẽ cảm thấy đây là vấn đề khó nói và sau này khó có sự chia sẻ với cha mẹ.

Nội dung giáo dục giới tính, chúng ta phải căn cứ vào độ tuổi và trình độ tiếp thu của trẻ. Ví dụ, từ 2-3 tuổi, nên nói về những bộ phận cơ thể, chức năng các bộ phận hay cách vệ sinh. Từ 3-5 tuổi nói về cách trẻ hình thành và được sinh ra như thế nào, được nuôi dưỡng trong bụng mẹ ra sao. Lớn hơn nữa là những vấn đề về giới và giới tính.

Trong quá trình giáo dục, cha mẹ cần dạy trẻ về các cơ quan trên cơ thể, sự khác biệt giữa nam và nữ, sự thay đổi của cơ thể khi trẻ bước vào tuổi dậy thì và các vấn đề về tình dục. 

Đây là một chủ đề nhạy cảm và mỗi độ tuổi, chúng ta cần có một phương pháp hướng dẫn khác nhau để trẻ tiếp thu tốt nhất. 

Mỗi ngày 30 phút đọc sách kỹ năng và giới tính

Nếu như trẻ đã là học sinh tiểu học, chúng ta có thể mua sách về giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi của con để con đọc. 

Ngay từ khi con gái tôi học lớp 1, tôi đã dẫn con đi hiệu sách mua các cuốn sách dạy về kỹ năng sống như: “34 bí quyết giúp bạn khéo ăn nói”, “Tạo lập thói quen tốt (kỹ năng quản lý bản thân)”, “Tự tin vào chính mình (kỹ năng quản lý bản thân)”, “Bách khoa thư kỹ năng sống (bí quyết học hành giỏi giang)”... 

Ngoài các cuốn sách dạy kỹ năng sống, tôi còn mua cho con các cuốn sách dạy về giới tính như: “Cẩm nang giáo dục giới tính”, “Bách khoa thư về phát triển kỹ năng tuổi dậy thì”, “Bộ sách an toàn cho con yêu”, “Giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ”, “Bộ sách giáo dục giới tính cho học sinh”, “30 ngày cùng con học hiểu về chống xâm hại”...

Mỗi buổi tối, sau khi con gái làm xong bài tập cô giáo giao, con gái tôi sẽ đọc sách về kỹ năng sống và giáo dục giới tính khoảng 30 phút. Tôi cũng ngồi đọc sách cùng phòng với con. Con đọc đến đoạn nào không hiểu sẽ đọc to cho mẹ nghe để mẹ giải thích cho con hiểu. 

Mỗi tối con đọc một ít, dần dần qua nhiều năm, con tích lũy được khá nhiều kiến thức về kỹ năng sống, giáo dục giới tính mà không cần bố mẹ dạy. Con rất tự tin về những điều con đọc được trong sách, ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày và chủ động trao đổi với bố mẹ, thậm chí nhắc nhở mọi người xung quanh khi thấy người khác cư xử chưa được đúng như trong sách dạy. 

Tôi thấy việc giáo dục giới tính sẽ giúp trẻ có những thông tin cần thiết để hiểu cơ thể của chính mình theo hướng tích cực. Chính vì vậy, cha mẹ nên sớm chú ý điều này trong khi nuôi dạy trẻ để đảm bảo rằng con mình không chỉ có một cơ thể khỏe mạnh mà còn biết cách tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ trong cuộc sống.

Hãy giúp con mình có đầy đủ kiến thức về giới tính để con có thể tự tin làm chủ được bản thân, làm chủ được cuộc đời mình. Mong rằng xã hội trong tương lai không còn có những câu chuyện đau lòng như sinh con khi đang ở tuổi vị thành niên như cô bé học sinh lớp 7 ở Bắc Giang.

Nguồn vietnamnet (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam)