Xử lý nghiêm việc xâm hại di tích quốc gia ở Thanh Hóa
Liên quan tới việc di tích quốc gia chùa Quan Thánh, phường An Hưng, TP Thanh Hóa bị xâm hại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VH-TTDL) Thanh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra.
Kết quả kiểm tra thực tế tại di tích chùa Quan Thánh cho thấy, toàn bộ hệ thống bia ma nhai (12 tấm bia) gồm: 3 bức dạng đại tự chữ Hán (nền phủ sơn công nghiệp màu vàng nhũ đồng, mạc, tô lại chữ bằng sơn màu đỏ).
Hệ thống các pho tượng khắc trên vách đá phía ngoài và trong vòm hang, gồm: 3 tượng quan (phía ngoài hang), 5 tượng quan phía trong; 2 tượng linh vật (voi, ngựa)... có từ thế kỷ XVI - XVII của di tích đã bị tô vẽ, phun, phủ sơn công nghiệp.
Riêng tấm bia ma nhai niên đại Cảnh Hưng 47 (kích thước khoảng 70cm x 8cm đã bị khoan, chôn, đóng thanh sắt vuông vào giữa hai hàng chữ Hán, làm nứt, tách vỡ một phần mặt bia, mất một chữ Hán.
Việc tự ý tô vẽ, sơn vào hệ thống hiện vật trên khi chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền đã làm sai lệch, thay đổi yếu tố gốc của di tích, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.
Sở VH-TTDL đề nghị Bí thư TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân, chỉ đạo UBND TP Thanh Hóa tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và xử lý, kỷ luật nghiêm đối với các cá nhân, tập thể có liên quan đến việc trên.
Đồng thời, đề nghị Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa chỉ đạo phòng, ban, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân liên quan.
Trước đó VietNamNet đã phản ánh, năm 1992, khu di tích danh lam thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi, xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), nay là phường An Hưng, TP Thanh Hóa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia.
Trong quần thể danh thắng này có chùa Quan Thánh. Ngôi chùa tọa lạc trên vách núi, còn lưu giữ nhiều bức phù điêu tạc hình tượng voi, ngựa, Quận Công Lê Trung Nghĩa, Quan Công và các tấm bia chữ Hán.
Gần đây, người dân đến chùa thắp hương đã phát hiện toàn bộ phù điêu, các tấm bia bị tô vẽ, sơn lại với nhiều màu sắc, không còn nguyên trạng.
Không những thế, chùa còn bị khoan vít đinh sắt vào bảng chữ Hán làm hư hỏng, rơi chữ…