Xoay xở 'sáng đi làm, đêm thức xem bóng' mùa World Cup
Là fan hâm mộ của trái bóng tròn, Quân Hà (25 tuổi, Hà Nội) không thể bỏ qua giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh 4 năm mới có một lần. Với mong muốn nhìn Messi cùng đồng đội một lần nâng cao chức cúp vô địch, những lần ra sân của đội tuyển Argentina luôn khiến anh mong chờ nhất.
Đã quen với chuyện thức khuya xem phát sóng trực tiếp ở các giải đấu hàng năm như Cúp C1 châu Âu, Ngoại hạng Anh, Quân không sợ chuyện bị đảo lộn lịch sinh hoạt vào mùa World Cup này.
Tuy nhiên, cảm giác thiếu ngủ, thiếu tỉnh táo vẫn không thể tránh khỏi. Nếu như World Cup 2018, khi vẫn là sinh viên năm ba, anh có thể xem liền một mạch 2-3 trận và ngủ bù vào hôm sau nhờ trống lịch học, thì giờ khi đã đi làm, Quân phải cân nhắc xem trận nào, bỏ trận nào.
“World Cup lần này diễn ra vào cuối năm, đúng thời điểm các công ty, phòng ban đều bận rộn, gấp rút chạy nốt dealine, KPI. Vì vậy, chuyện theo dõi hết 64 trận đấu là không thể”, Quân nói với Zing.
Câu chuyện của Quân cũng là câu chuyện chung của những khán giả đã đi làm và vẫn giữ niềm đam mê bóng đá. Trong một tháng "ăn, ngủ cùng trái bóng", dân văn phòng phải tìm cách để cân bằng giữa sở thích cá nhân và trách nhiệm công việc.
Không dám sa đà
Có hôm bận rộn, đi làm một mạch từ 8h đến 20h, cộng với thức đêm xem bóng, Quân trong trạng thái lờ đờ cả buổi sáng, phải uống cà phê đặc để qua cơn buồn ngủ.
Ngoài ra, khả năng tập trung cũng bị phân tán vì nhóm chat bạn bè thường xuyên "nổ" tin nhắn mới, bàn luận chuyện bóng bánh, rủ rê tối cùng ra quán.
Anh chọn cách khắc phục bằng việc chủ động làm thêm ngoài giờ để kịp tiến độ, gọi đồ ăn ngoài để đỡ mất thời gian nấu hoặc tranh thủ ngủ trước khi xem bóng đá.
Thay vì theo dõi cả trận đấu 90 phút, Quân chuyển sang xem highlight (tóm tắt diễn biến) hoặc các tình huống kịch tính, đáng nhớ trong trận. Các cuộc nhậu cũng phải hạn chế, chuyển qua cuối tuần.
"Tất nhiên cảm giác, trải nghiệm giảm đi nhưng vì cuối năm nhiều việc nên mình không dám quá mất tập trung, dễ bị cấp trên rầy la, thậm chí kỷ luật", anh cho biết.
Tương tự, Quốc Dũng (28 tuổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội, hào hứng và phấn khích với những trận cầu đang diễn ra. Dù không hẳn là fan bóng đá cuồng nhiệt, anh cũng dành nhiều sự quan tâm và thời gian để theo dõi.
Tại World Cup 2022, Dũng đặc biệt cổ vũ cho đội tuyển Đức và Đan Mạch vì từng có thời gian sinh sống, học tập ở 2 quốc gia này.
“Tôi làm việc theo giờ hành chính nên theo dõi cả tất cả là điều hơi khó. Vì vậy, tôi chọn lọc xem các trận có đội tuyển mình yêu thích hoặc trong khung giờ buổi tối mà bản thân có thể tiện theo dõi”, anh cho biết.
Với các trận đấu ở vòng bảng bắt đầu lúc 17h, Dũng rất muốn xem nhưng giờ làm khá nghiêm, việc về sớm, đi trễ gần như sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đồng lương. Do đó, anh chọn cách cập nhật tin tức qua báo mạng hoặc trang tin trực tuyến.
Dũng vẫn có thể theo dõi nửa sau của các trận diễn ra ở khung giờ sớm nhất này, nhưng những trận đá lúc 2h sáng cậu sẽ chỉ ưu tiên khi “Cỗ xe tăng” Đức ra sân.
“Tôi coi xem bóng đá là nhiệm vụ phải hoàn thành, với những trận hay. Do đó, 2h sáng vẫn sẽ cố để xem, tất nhiên tần suất không nhiều.
Vì đã có kinh nghiệm từ những mùa bóng trước, tôi thường tranh thủ ngủ một chút rồi thức dậy để theo dõi.
Tôi thấy việc thay đổi đồng hồ sinh học một chút cũng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới chất lượng làm việc sáng hôm sau”, anh nói.
Ở công ty Dũng những ngày này, nhân viên hâm mộ trái bóng tròn thường rủ nhau xem trận cầu hay trong khung giờ cho phép.
Còn lại, họ chỉ truyền tay nhau những thông tin cập nhật.
Bản thân Dũng thích xem bóng đá ở nhà cùng gia đình hơn là tụ tập ở quán bar thể thao hay những nơi có không khí World Cup sôi động.
Mệt mỏi vì ngủ muộn
Tại các kỳ World Cup, Đinh Anh (28 tuổi), nhân viên marketing, truyền thông sự kiện cho một công ty ở Hà Nội, luôn ủng hộ đội tuyển quốc gia Hà Lan.
Ngoài cố gắng theo dõi đầy đủ trận đấu “Cơn lốc màu da cam” tranh tài, anh cũng không thể bỏ qua sức nóng của các trận lớn (chung kết, bán kết, tứ kết) và một số trận của đội mạnh như Brazil, Argentina, Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha.
Với Đinh Anh, các trận vòng bảng dễ theo dõi nhất ở khung 20h. Những trận diễn ra lúc 17h, anh sẽ sắp xếp xem một chút khi về nhà hoặc cùng đồng nghiệp ra quán bia xem với trận hấp dẫn.
Đinh Anh cho biết thời học sinh, sinh viên từng thức khuya hoặc nửa đêm dậy xem bóng đá thường xuyên. Tuy nhiên, từ khi đi làm, anh phải từ bỏ thói quen này, trừ khi là chung kết C1 hoặc World Cup, Euro.
“Mùa World Cup này, tôi sẽ cố xem trận 23h nếu có đội tuyển Hà Lan hoặc trận thực sự hay. Với thời gian vào làm việc không quá sớm là 9h, tôi thấy không ảnh hưởng quá nhiều. Với các trận 2h, tôi thường bỏ qua, trừ khi là cuối tuần, bởi thức quá khuya sẽ rất mệt vào sáng hôm sau”, anh nói.
Phòng Đinh Anh làm việc đa số là nam giới và đều đam mê bóng đá. Họ không thể xem trong giờ làm việc, cộng với bận rộn nên chỉ thỉnh thoảng nói chuyện, bàn luận với nhau.
Đinh Anh cho rằng việc một số công ty lắp máy chiếu, TV màn hình lớn cho nhân viên xem World Cup là cách hay khi có thể giúp giải tỏa căng thẳng ngoài giờ hành chính và gắn kết mọi người.
Theo anh, mỗi nơi làm việc sẽ có cách làm riêng dựa trên văn hóa công sở của mình.
Giải đấu lần này tổ chức trên đất Qatar là lần thứ 7 mà Duy Anh (30 tuổi) theo dõi World Cup. Anh hâm mộ Kevin De Bruyne của đội tuyển Bỉ và đặt kỳ vọng "những con quỷ đỏ" vào đến trận chung kết.
Có hơn 20 năm là fan của môn thể thao vua, Duy Anh cho biết thói quen, lịch làm việc thường ngày của mình không thay đổi nhiều kể từ khi giải bắt đầu, dù đa số trận chiếu vào lúc đêm muộn.
"Đa số mình xem hết các trận diễn ra vào khung 23h. Còn những trận lúc 2h sáng, tùy thuộc nếu có đội yêu thích hoặc là cặp đấu giữa các đối thủ mạnh thì sẽ cố gắng thức", anh chia sẻ.
Với cá nhân Duy Anh, chuyện thiếu ngủ tất yếu sẽ xuất hiện nhưng anh tự tin cân bằng được giữa sở thích và nhiệm vụ phải hoàn thành trên công ty.
"Ban ngày là lúc năng suất và mức độ tập trung của bản thân cao nhất. Những ngày bình thường, mình làm việc với hiệu suất gần như tuyệt đối. Còn để thỏa mãn đam mê, mình cố tăng tốc độ, khả năng tập trung lên thêm nữa để hoàn thành deadline sớm, kịp thời gian theo dõi những trận đấu sớm lúc 17h hay 20h".
Dù vậy, Duy Anh thừa nhận sau khi mắc Covid-19, việc thức đêm trở nên khó khăn hơn vì sức khỏe yếu đi rõ rệt. Anh chấp nhận bỏ qua một số trận.
"Trong mùa bóng, chuyện bạn bè tụ tập đi nhậu không thể thiếu nhưng phần đông anh em trong nhóm đều phải đi làm vào hôm sau, không thể vui tới bến như trước nữa mà sẽ có điểm dừng vì công việc vẫn quan trọng hơn".
Các chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi người cần ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày. Nếu không ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái uể oải, mất cân bằng, giảm sức đề kháng chống chọi với bệnh tật và không đủ tỉnh táo vào ngày hôm sau.
Do đó, một số biện pháp để giảm thiểu tình trạng này cho người thức đêm xem bóng đá gồm:
Ngủ bù
- Ngủ đủ giấc vào ngày hôm trước để cơ thể trong trạng thái sức khỏe tốt nhất, đủ sức chống lại những tác động xấu từ môi trường.
- Tranh thủ ngủ 2-3 tiếng trước giờ bóng lăn.
- Dành vài phút chợp mắt để lấy lại tinh thần nếu cơ thể quá mệt mỏi.
Tránh hoạt động cá cược
- Không tham gia các hoạt động cá cược gây ảnh hưởng tới tâm lý, tạo diễn biến xấu đối với các bệnh mạn tính.
- Bệnh nhân cao huyết áp khi thức khuya xem bóng đá cũng có thể làm xuất hiện những cơn tăng huyết áp kịch phát rất nguy hiểm.
Không nạp đồ ăn nhanh, chất kích thích
- Tránh lạm dụng đồ ăn nhanh chứa rất nhiều calo và cholesterol, không tốt cho cơ thể.
- Tăng cường ăn trái cây, có thể ăn bữa đêm nhẹ bằng các loại cháo tùy theo sở thích.
- Tránh uống bia, rượu và thay thế bằng các loại nước trái cây hoặc trà có lợi cho sức khỏe.
Đừng quên uống nước
- Bổ sung nước thường xuyên tránh cơ thể mất nước.
- Chú ý uống nhiều nước trong thời gian làm việc của ngày hôm sau.
Theo Zing