Vượt lên nỗi đau da cam
Vượt lên nỗi đau, hàng nghìn cựu chiến binh và con em họ đang thường xuyên ốm đau, bệnh tật hoặc mang dị tật cả đời do ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin vẫn cần cù lao động và cống hiến.
Khắc phục ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin và dịch Covid-19, anh Phạm Văn Dũng ở phường Văn An (Chí Linh) hiện duy trì sản xuất hiệu quả và đã thoát nghèo
Toàn tỉnh hiện có 9.260 nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin hưởng chế độ chính sách, 538 người là cháu, chắt của nạn nhân CĐDC/dioxin từng tham gia kháng chiến. Những năm qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ các hoàn cảnh nêu trên được các cấp, ngành và chính quyền địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả, đúng quy định. Với sự đồng hành của tổ chức hội, các gia đình, cá nhân nạn nhân CĐDC cũng không ngừng nỗ lực, vượt khó khăn.
Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Phạm Xuân Mưu, sinh năm 1945, ở phường Văn An (Chí Linh) nay đang phải nằm liệt giường. Mang theo di chứng nặng nề từ CĐDC, ông còn có 2 trong tổng số 5 người con bị ảnh hưởng CĐDC, trong đó có anh Phạm Văn Dũng, sinh năm 1975. Năm 2000, anh lập gia đình rồi lần lượt có 3 con nhưng các cháu đều kém phát triển so với bạn bè đồng trang lứa.
Đến năm 2016, vì nhà đông con, kinh tế khó khăn, anh Dũng quyết định nhận thầu diện tích chuyển đổi để nuôi cá, gia cầm, lợn thịt. Anh đến các hộ làm trang trại gần nhà để học hỏi kinh nghiệm, vay tiền từ Quỹ Tín dụng nhân dân phường để đầu tư con giống và chuồng trại. Quy mô chăn nuôi tăng dần lên theo từng năm. Hiện anh nuôi duy trì 2.000 con ngan Pháp, nuôi cá với số lượng lớn… “Năm 2020, do dịch tả lợn châu Phi nên tôi thiệt hại 40 con lợn với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Đến năm 2021, do tiếp tục ảnh hưởng của dịch bệnh, trong khi chi phí sản xuất 1 kg cá thương phẩm khoảng 40.000 đồng, có lúc giá bán chỉ còn từ 18.000-20.000 đồng/kg, tôi tiếp tục bị thua lỗ nặng”, anh Dũng nhớ lại.
Dù gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng anh Dũng vẫn luôn động viên vợ con vượt qua khó khăn. Anh chạy vạy vay mượn thêm anh em, họ hàng để duy trì sản xuất. Đến nay, khi giá cả hàng hóa đã ổn định hơn, trang trại của anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Vợ chồng anh hiện không còn là hộ khó khăn.
Với tinh thần bộ đội Cụ Hồ, ông Vũ Văn Cương, sinh năm 1953, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin xã Đoàn Kết (Thanh Miện) nhiều năm qua vừa hăng hái sản xuất vừa tích cực cống hiến cho xã hội. Ông từng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhập ngũ chiến đấu tại chiến trường miền Đông và Tây Nam Bộ, tham gia nhiều chiến dịch lớn, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đến năm 1977, ông tiếp tục tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Năm 1982, do sức khỏe yếu ông xuất ngũ. Trở về quê hương, ông chịu nhiều ảnh hưởng của CĐDC: chỉ nặng 54 kg, là bệnh binh mất 41% sức khỏe, tai trái nghe kém, mắt trái chỉ còn 3/10, rối loạn thần kinh, đái tháo đường tuýp II... Ông còn tiếp tục bị sốt rét trong 5 năm liền.
Nhưng tinh thần người lính không cho phép ông lùi bước. Những năm đầu xuất ngũ, ông tự rèn luyện sức khỏe bản thân để đẩy lùi bệnh tật. Đồng thời, ông xoay xở nhiều nghề như nấu rượu, nuôi lợn, gà vịt, xay xát thóc… để tăng thu nhập. Đến năm 2014, ông được nhận gói hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng không lãi suất của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam để chăn nuôi. Ông mua 2 con lợn nái, từ đó nhân lên và duy trì nuôi từ 30-40 con. Ông còn tham gia mô hình chuyển đổi ruộng canh tác kém hiệu quả sang đào ao, thả cá với 1 mẫu ao nuôi cá truyền thống và xay xát gạo, nấu rượu.
“Đã là lính Cụ Hồ thì khó khăn nào cũng vượt qua. Tôi luôn vững tâm động viên gia đình khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất”, ông Cương chia sẻ. Đến nay trang trại của gia đình ông đã sản xuất ổn định, mỗi năm cung cấp ra thị trường 4 tấn lợn thịt và 20 tấn cá, trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Nhiều năm qua, gia đình ông được biểu dương là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện.
Ông Cương là Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin gương mẫu của xã Đoàn Kết, hiện là Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Tòng Hóa. Tích cực tham gia công tác ở địa phương, ông đã vinh dự trở thành đại biểu Đại hội điển hình tiên tiến “Vì nạn nhân CĐDC” toàn quốc lần thứ IV, giai đoạn 2021-2026.
Từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ nạn nhân CĐDC/dioxin 1 ngôi nhà tình nghĩa, 22 chiếc xe lăn, khoảng 10.000 suất quà với tổng trị giá khoảng 4,5 tỷ đồng. Các cấp hội tập trung khảo sát số lượng cháu, chắt của nạn nhân từng tham gia kháng chiến để làm cơ sở xây dựng chế độ chính sách cho nhóm đối tượng này. Tiếp tục trợ giúp, tư vấn cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng giám định, kết luận tỷ lệ sức khỏe. Thường xuyên rà soát số lượng nạn nhân, phân loại cụ thể để có phương thức chăm sóc, hỗ trợ phù hợp.
BÌNH AN