Vì một lời hứa, chàng trai 20 tuổi cưới góa phụ 31 tuổi
Chàng trai thành thị về làng
Năm 1972, Trung Quốc kêu gọi các thanh niên trí thức ở thành phố về các vùng quê để rèn luyện ý chí và thúc đẩy sự phát triển của các vùng nông thôn nghèo.
Trương Chí Viễn - chàng trai được sinh ra và lớn lên trong gia đình gia giáo ở Trùng Khánh - vừa học xong cấp 3 cũng quyết định đến ngôi làng miền núi ở huyện Nam Giang, tỉnh Tứ Xuyên.
Đến nơi, Chí Viễn nhận ra rằng, công việc của nhà nông hoàn toàn khác với những gì anh tưởng tượng. Sau khi làm việc được 2 ngày, lòng bàn tay của anh xuất hiện những vết phồng rộp. Tay, chân đau nhức không nhấc lên được.
Chí Viễn được người phụ trách gửi đến ở nhờ nhà của một nông dân tên Lâm Hải.
Lâm Hải coi Chí Viễn như em trai, giúp đỡ và dạy cho rất nhiều kỹ năng và phương pháp lao động. Anh còn chăm sóc Chí Viễn cẩn thận mỗi khi chàng trai trẻ bị ốm, động viên Chí Viễn mỗi khi thấy anh nản lòng.
Thấm thoắt, thời gian trôi qua đã gần 2 năm. Chí Viễn đã quen với công việc đồng áng. Tổ ấm của Lâm Hải cũng khiến anh cảm nhận được sự ấm áp của một gia đình nên bắt đầu gắn bó với nơi này.
Tuy nhiên, thời gian tốt đẹp không kéo dài được lâu. Vào một buổi chiều đầy nắng, Lâm Hải sau khi đi làm đồng về bỗng ngất xỉu. Khi đưa vào viện, Lâm Hải được xác định bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Từ đó, mọi gánh nặng gia đình đều đổ lên vai người vợ Hồ Đình Tú.
Chí Viễn nhìn thấy sự bất hạnh của gia đình ân nhân, trong lòng vô cùng buồn vã. Nhưng anh cũng chỉ biết cố gắng hết sức để giúp đỡ Đình Tú dạy dỗ những đứa trẻ và chăm sóc cho Lâm Hải.
Lâm Hải nhìn thấy những nỗ lực của chàng trai trẻ, trong lòng thật sự cảm kích.
Một ngày, khi đang nằm trên giường bệnh, Lâm Hải gọi cả nhà đến, trong đó có Trương Chí Viễn.
Đầu tiên anh an ủi vợ, sau đó dặn dò các con chăm chỉ học hành, làm việc. Cuối cùng, anh nhìn Trương Trí Viễn, do dự đến mức không nói nên lời.
Chí Viễn như hiểu ra vấn đề. Anh nhìn vào mắt Lâm Hải, nói một cách kiên quyết: "Anh à, chỉ cần em ở đây, chị dâu và các cháu sẽ không bị đói, lạnh! Em sẽ mang đến cho các cháu một cuộc sống tốt đẹp”. Nghe những lời này, Lâm Hải chảy nước mắt rồi từ từ nhắm mắt lại.
Trả ơn ân nhân
Chí Viễn là một người đàn ông giữ lời hứa. Kể từ khi Lâm Hải qua đời, anh chuyển ra sống ở ngôi nhà cạnh nhà Đình Tú. Tuy nhiên, anh thường xuyên đến nhà Đình Tú để giúp đỡ cô gánh nước, chặt củi, làm việc đồng áng và cố gắng dạy học cho những đứa trẻ mồ côi cha.
Tuy vậy, sự nhiệt tình của Chí Viễn khiến dân làng không thuận mắt, bàn tán xôn xao.
Đình Tú là một phụ nữ truyền thống, nghe được những lời không hay, cô quyết định từ chối sự giúp đỡ của Chí Viễn, không cho anh đến nhà nữa.
Tuy vậy, Chí Viễn lại không thể quên lời hứa với ân nhân. Sau ít ngày suy nghĩ, anh đã có một quyết định táo bạo: Thu dọn hành lý chuyển đến sống ở nhà Đình Tú và "cưới" người đàn bà hơn anh 11 tuổi, có 4 người con.
Đình Tú ban đầu không đồng ý nhưng trước sự kiên quyết của chí Viễn, cũng phải gật đầu.
Ban đầu, cả hai chỉ là cặp vợ chồng trên danh nghĩa, mục đích là để ngăn dân làng đưa ra những lời xì xào.
Nhưng dần dần thấy Chí Viễn không chỉ chăm sóc chu đáo cho mình mà còn coi 4 đứa trẻ như con đẻ, Đình Tú dần dần mở lòng với chàng trai trẻ.
Khi bố mẹ yêu cầu Chí Viễn trở lại thành phố để có một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc, chàng trai đã kiên quyết từ chối. Anh cho biết, ở vùng quê này, anh đã có một gia đình. Sau này, gia đình 6 người của Chí Viễn và Đình Tú có thêm 2 thành viên mới. Cuộc sống của họ ở tuy vất vả nhưng rất hạnh phúc.
Theo 163