Tuổi thơ bụi đời, suýt trở thành đàn em Năm Cam của ông chủ hãng sửa xe ô tô
Tuổi thơ dông bão
Trời mưa rả rích, anh Phùng Ngọc Phong (SN 1978, quận Tân Bình, TP.HCM) ngồi một mình trong quán cà phê quen. Nhìn những giọt mưa rơi xuống từ nền trời xám xịt, anh nhớ về tuổi thơ chất chồng dông bão của mình.
Cha mẹ anh vốn là người giàu có ở Sài Gòn xưa. Nhưng ngày anh sinh ra, gia đình đã qua thời có của ăn của để. Đó là những năm ba mẹ anh lên Sông Bé (nay là 2 tỉnh Bình Phước, Bình Dương) theo diện kinh tế mới.
Không chịu nổi cảnh khổ cực, thiếu thốn, cha mẹ Phong dắt díu nhau sang Campuchia tìm kế sinh nhai. Thế nhưng khi sang đến nước bạn, mái ấm gia đình Phong bắt đầu nguội lạnh. Cha mẹ anh thôi nhau.
Phong về ở với mẹ ruột vừa đi thêm bước nữa với người đàn ông Việt gốc Hoa. Dẫu vậy, anh không có được tình yêu thương của mẹ. Thay vào đó, anh thường xuyên nhận về những trận đòn roi vô cớ.
Thấy con trai liên tục bị vợ cũ cũng hành hạ, cha Phong đến “bắt con” về ở với mình và cô vợ người Campuchia gốc Việt. Nhưng cũng chẳng khá hơn. Thậm chí, Phong còn bị mẹ ghẻ bạo hành hơn gấp bội.
Mỗi lần bị đánh, Phong đều cố vùng vằng để thoát khỏi đòn roi. Mỗi lần như thế, anh đều cố chạy đi xa hơn những lần trốn chạy trước đó. Năm được 10 tuổi, sau trận đòn vô cớ, Phong biết mình không thể ở lại mái nhà vốn không thuộc về mình.
Phong vùng chạy, thoát khỏi bàn tay người mẹ ghẻ đang cố quật lên lưng mình những nhát đánh rách da, rách thịt. Phong chạy thật xa và không bao giờ quay về nơi ấy nữa.
Anh kể: “Lúc bỏ nhà đi, tôi chỉ có mỗi cái quần đùi trên người. Tôi lang thang ra chợ, nơi có nhiều người Việt sống để ngủ, xin ăn. Ban ngày, tôi cứ lang thang ngoài chợ, xin được gì ăn nấy, ai sai gì cũng làm để được cho ăn”.
“Sau đó, tôi xin theo những người buôn hàng hóa giữa Campuchia và Việt Nam để làm tay sai vặt cho họ. Lúc đó, tôi không biết đến tiền công là gì miễn là ngày được ăn no, tối có chỗ ngủ”, anh nhớ lại.
Suýt trở thành đàn em Năm Cam
Sống bụi đời, Phong lang bạt, trôi dạt theo dân buôn. Cuộc sống của anh lúc bấy giờ là những chuyến nhảy tàu, nhảy xe, bốc dỡ hàng, làm tay sai vặt của mọi người.
Trong một lần theo chủ đến Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) trao đổi hàng hóa, Phong được người dân tại đây khuyên không nên về lại Campuchia vì nếu rơi vào tay Pol Pot cậu sẽ bị giết.
Nghe vậy, Phong rùng mình và quyết định ở lại Việt Nam dẫu chưa biết phải đi đâu, làm gì để sống. Đúng lúc ấy, Phong nghe tiếng người lơ xe đò gọi khách lên xe về Chợ Lớn, Sài Gòn.
Dù chưa biết Chợ Lớn là gì, Phong vẫn phóng lên xe, “xin quá giang”. Bằng cách này, cậu được chở về Chợ Lớn dù không có một xu dính túi.
Đến Chợ Lớn, Phong nhanh chóng nhận thấy ở đây đầy rẫy những đứa trẻ có cảnh ngộ như mình. Chúng có hội, nhóm ăn ngủ trên vỉa hè, gầm cầu, công viên. Sau thời gian làm quen, trải qua những lần bị ức hiếp, Phong nhập hội với đám trẻ bụi đời con lai.
Cả bọn tập trung ngủ ở con lươn giữa đường Nguyễn Chí Thanh (quận 11, TP.HCM). Anh kể: “Tôi nhập bọn với đám này vì chỗ ngủ gần với một cái nhà xác. Mỗi khi bị cơ quan chức năng truy quét, đưa vào trường giáo dưỡng, tôi thường chạy vào nhà xác này trốn”.
“Một lần, vừa rời nhà xác, tôi lại thấy công an. Sợ quá, tôi ngồi trà trộn vào nhóm người đang tổ chức đáng tang tại nhà tang lễ. Người ta tưởng tôi là người nhà của người quá cố nên cho tôi ăn”, anh kể thêm.
Sau đó, Phong cứ quẩn quanh ở nhà tang lễ. Thấy có đám tang, cậu lại chạy đến phụ giúp để được cho ăn, cho tiền. Công việc này giúp Phong có cái ăn, có chỗ ngủ và có nước sạch để tắm.
Tuy vậy, trong lúc tưởng chừng như sẽ gắn bó với nhà tang lễ, Phong bất ngờ bị công an bắt gặp khi đang lang thang ngoài đường. Không có giấy tờ, cậu được đưa vào trường Thiếu Niên 3 (Trung tâm giáo dục dạy nghề TP.HCM ngày nay).
Tại đây, Phong được học văn hóa. Vốn thông minh lanh lợi, trong 3 năm, Phong được học 6 lớp. Song, sau 3 năm làm trưởng phòng tại trường, Phong lại bị cuộc sống bụi đời tự do bên ngoài hấp dẫn.
Cậu dẫn theo “chục đàn em” lợi dụng đêm tối, trèo cửa sổ, trốn trường đi bụi. Ra ngoài lang thang được ít hôm, cả nhóm đói rã rời rồi chia tay đường ai nấy đi. Phong dạt ra khu vực Cầu Muối (nay là Cầu Ông Lãnh, nối quận 1 với quận 4, TP.HCM) kiếm sống.
Thời điểm đó, Cầu Muối là vùng đất dữ, nơi tụ tập của những băng nhóm giang hồ khét tiếng. Tại đây, Phong đánh nhau như cơm bữa để giành địa bàn, giành bạn gái, giành một chân đứng giữa cuộc đời.
16 tuổi, Phong thành danh “Phong thổ địa” ở khu vực Cầu Muối. Phong có đàn em và cùng nhau trấn lột, xin đểu, trộm cắp... để có tiền tiêu xài.
Đúng thời điểm này, Phong nhiều lần gặp ông trùm giang hồ Sài Gòn Năm Cam. Thấy Phong tuy nhỏ tuổi nhưng gan lỳ, không sợ trời sợ đất, ông trùm rất thích. Tuy vậy, do Phong chưa đủ tuổi nên ông trùm chưa thu nạp, giao việc cho anh.
Đổi lại, ông nuôi nấng, dẫn dụ những đứa trẻ bụi đời gan lỳ, không có gì để mất như Phong bằng cách cho chúng ăn uống, vui chơi thỏa thích. Mục đích của Năm Cam là “bồi dưỡng”, ban ân huệ cho chúng “để sau này, khi đủ tuổi, đủ từng trải, chúng sẽ là những tay chân sống chết vì mình”.
Anh Phong kể: “Lúc đó, Năm Cam rất thích những đứa như tôi. May là lúc đó, tôi còn nhỏ quá. Năm Cam lại không thích sử dụng những đứa còn nhỏ tuổi làm tay chân nên không vội thu nạp tôi. Ông chỉ dụ dỗ, tạo sự ảnh hưởng bằng cách vung tiền lo cho chúng tôi ăn uống thoải mái”.
“Bởi vậy lúc đó, chúng tôi thích Năm Cam lắm. Mỗi lần ông xuất hiện là chúng tôi luôn được ăn no. Ông thường sai đàn em của mình là các anh lớn, đại ca của chúng tôi mua hủ tiếu, cơm sườn… ngon cho chúng tôi ăn thỏa thích”, anh nói thêm.
Với cách này, khi đủ 18 tuổi, rất nhiều trẻ bụi đời ở Cầu Muối đã trở thành những tay chân, đàn em sống chết của ông trùm. Có lẽ, Phong “thổ địa” cũng sẽ trở thành một trong những tay chân mới nổi của Năm Cam nếu như cuộc đời anh không rẽ sang một hướng khác.
(Còn tiếp)
Kỳ 2: 'Đại bàng trường giáo dưỡng' trở thành giám đốc, cưu mang nhiều thanh niên