'Trường Sa! Biển ấy là của mình'
Trường Sa! Biển ấy là của mình là sách tranh song ngữ Việt - Anh gồm 2 tập Phong ba nơi đầu sóng và Biển ấy là của mình. Tác phẩm lấy góc nhìn của chú chó nhỏ tên Phong Ba (cũng là tên loài cây đặc trưng ở Trường Sa) sống ở đảo Sinh Tồn.
Phong Ba yêu đời, nghịch ngợm, luôn tò mò về nơi mình sinh ra nên thường khám phá mọi ngóc ngách trên đảo. Bên cạnh Phong Ba là các chú chó tên Cát, San Hô, Bão Táp, Ốc Nhảy…
Dưới góc nhìn của Phong Ba, cuộc sống của chiến sĩ hải quân ở Trường Sa hiện lên sinh động. Ở tập 2, độc giả nhí cũng được bác Phi Lao chia sẻ về các khái niệm như âu tàu, hải đăng, đảo nổi, đảo chìm... cùng lịch sử của quần đảo Trường Sa.
Từ đó, Bùi Tiểu Quyên mong các em nhỏ cảm nhận được thông điệp giản dị, sâu sắc về tinh thần sống lạc quan và lòng kiêu hãnh, tự hào về biển đảo quê hương.
Chia sẻ với VietNamNet, nhà văn cho biết bắt đầu viết Trường Sa! Biển ấy là của mình vào tháng 6/2022, hoàn thành trong 1 tháng. Họa sĩ 9X Thanh Phan hoàn thành phần tranh vào tháng 9 cùng năm.
So sánh với Cà Nóng chu du Trường Sa - tác phẩm đoạt giải C Sách quốc gia 2022, chị nói: "Ngoại trừ bối cảnh nơi đầu sóng, còn lại thể loại, đối tượng bạn đọc, góc nhìn của nhân vật... đều khác".
Theo Bùi Tiểu Quyên, chó là loài động vật dễ thương, gần gũi với con người. Trường Sa có rất nhiều chó sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt. Chúng tinh nhuệ và tham gia bảo vệ biển đảo không khác gì các chiến sĩ nơi đây.
"Truyện hầu như không nhiều sự xuất hiện của con người. Tôi muốn để các chú chó nghịch ngợm, chơi đùa với nhau, tự khám phá mọi thứ rồi kể lại một cách hồn nhiên", chị cho hay.
Thực hiện sách tranh cho đối tượng bạn đọc dưới 11 tuổi, Bùi Tiểu Quyên luôn suy nghĩ về cách chuyển tải thông điệp yêu quê hương, yêu nước và bảo vệ chủ quyền biển đảo một cách khéo léo, hợp lý.
May mắn, Thanh Phan đã thể hiện phần tranh cho Trường Sa! Biển ấy là của mình tốt ngoài mong đợi của tác giả và đơn vị phát hành. Họa sĩ 9X đã tái hiện khung cảnh Trường Sa bằng tranh rất sinh động dù chưa từng ra đảo.
Bùi Tiểu Quyên chia sẻ: "Thanh Phan đã vẽ Trường Sa bằng hình ảnh xem trong tư liệu. Song với người viết, tôi sẽ không thể viết về Trường Sa nếu chưa ra đảo tận mắt chứng kiến cuộc sống nơi đây".
Mỗi lần đặt bút, chị nhớ lại những rung cảm đặc biệt từ chuyến đi Trường Sa mấy năm trước. Đó là khi chị lần đầu ngắm cây phong ba, bàng vuông, hoa ốc biển; biết lý do các chiến sĩ luôn hướng về phía tây mỗi buổi chào cờ; hay phút rưng rưng chia tay người dân ở đảo...
Bùi Tiểu Quyên muốn gửi gắm tất cả điều này vào trang sách để các bậc cha mẹ đọc sách cùng con, giải đáp những thắc mắc của trẻ, dạy chúng những bài học đầu tiên về lòng yêu nước và chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Sau 10 năm viết cho người trưởng thành, nhà văn thấy đủ, muốn khai phá bản thân với dòng sách thiếu nhi. Theo chị, chủ đề biển đảo trong mảng sách thiếu nhi vẫn đang là vùng đất sơ khai.
"Viết sách cho thiếu nhi là duyên. Đời thường, tôi hay chơi với trẻ nhỏ, động vật nên ngòi bút có phần nào hồn nhiên như vậy. Càng viết, tôi càng say mê. Tôi lại vừa hoàn thành một bản thảo khác sau chuyến đi thực tế sáng tác cách đây không lâu", Bùi Tiểu Quyên kể.
Nhà văn nói thêm: "Khi đặt dấu chấm cuối cùng trong tác phẩm, tôi đã gửi trọn cảm xúc và thông điệp của mình. Điều tôi mong nhất là được bạn đọc đón nhận, giải thưởng chỉ là sự khích lệ đến sau".
Hiện tại, Bùi Tiểu Quyên vẫn công tác tại Ban Văn hóa Việt Nam Báo Phụ nữ TP.HCM. Chị không sống bằng thu nhập từ công việc viết sách.
Nhà văn thường dành một phần nhuận bút từ các tác phẩm của mình để gửi đến các dự án vì cộng đồng. Chị cũng thường tham gia các hoạt động tặng sách cho trẻ em vùng sâu, vùng xa bằng kinh phí cá nhân.