Trò chơi huấn luyện "sát thủ bầu trời" ở Hà Nội
Huấn luyện chim săn mồi, một trò chơi bắt nguồn từ Trung Đông, đã du nhập vào Việt Nam được khoảng 10 năm. Trong ảnh, nhóm anh Dương Tiên Sinh ở Hà Nội, chuẩn bị vào cuộc. Họ thường huấn luyện chim ở một bãi đất trống thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.
Chim săn mồi mỗi lần đưa ra huấn luyện phải trải qua 4 bài tập: đứng và ăn trên găng, qua tay, vồ mồi trên không và săn tự nhiên. Trong số đó, đáng chú ý có loài chim cắt, được mệnh danh là "sát thủ bầu trời". Chúng có khả năng săn mồi tốt, tốc độ bay khi sống trong hoang dã có thể lên tới 320km/h.
Người chơi chăm sóc chim cắt từ khi chúng còn là chim non, 9 tháng sau quá trình huấn luyện mới bắt đầu. Mỗi con chim có giá từ 800.000 - 2 triệu đồng. Để huấn luyện cho chúng quen dần với các bài tập, ban đầu người chơi phải tìm cách thuần bằng việc dùng những dụng cụ như vòng đeo số, mũ đội đầu, dây da chống xoắn. Từ đó chim bình tĩnh, chịu nghe lời và bớt hung hăng.
Đặc tính săn mồi theo bản năng và tính cách hoang dã vẫn còn, để tránh việc chúng bay đi mất người chơi phải gắn GPS vào lưng. Bộ định vị gắn trên con chim này có giá 30 triệu đồng.
Để chinh phục được các loài chim dữ như chim ưng, chim cắt, người chơi phải mất khoảng 3-6 tháng làm quen. Anh Phillip (từ Nam Phi đến Việt Nam đã được 3 năm) trước đó là tay cung điêu luyện, thường xuyên đi săn và có kinh nghiệm nuôi các giống chim dữ. Do kinh phí ở nước ngoài quá cao, anh sang Việt Nam vừa đi dạy học vừa tìm hiểu chuyên sâu hơn về bộ môn này.
Theo anh Việt (22 tuổi), nuôi chim hoang dã mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên nhẫn cũng như phải hiểu tập tính và sở thích của chúng. Trong quá trình huấn luyện, nếu người nuôi tỏ thái độ hoặc to tiếng, chim sẽ không nghe theo hiệu lệnh và trở nên ương bướng. Trong ảnh là đại bàng ưng có giá 3 triệu đồng.
Còn chim cắt có đặc điểm đôi mắt sáng, cánh rộng, chiếc mỏ và bộ móng vuốt sắc nhọn giúp chúng có thể cắn xé thức ăn.
Flycam được sử dụng để gài con mồi ra xa, thực tế hơn để những con chim cắt có thể săn mồi theo bản năng vì chúng tưởng đồng loại đang di chuyển. Việc này giúp chim nâng cao thể lực, độ bền, ngay cả người mới chơi cũng có thể dễ dàng làm quen.
Chim khi bay khỏi tay người chơi có tốc độ 60km/h. “Sau 6 tháng làm quen, chim sẽ nghe theo hiệu lệnh của người chủ. Đến khi đạt được đến trình độ cao, có thể thả chim bay lượn tự do trên bầu trời và có thể tấn công con mồi”, anh Tuyền (Gia Lâm, Hà Nội), chia sẻ.
Công cụ mồi giả (lura) thường dùng trong việc huấn luyện. Anh Sinh quay nhiều vòng tròn với tốc độ cao để chim có sự phán đoán và khả năng săn mồi tốt.
Theo chế độ huấn luyện, mỗi ngày chúng chỉ ăn một bữa duy nhất, chia theo tỷ lệ 1/10 trọng lượng chim. Thức ăn của chúng chủ yếu là thịt cò, chim cút, gà con. Người chơi phải hạn chế cho chim ăn những loại thực phẩm nhiều mỡ và đạm.
Theo Vietnamnet