Thạc sĩ Giáo dục chia sẻ về việc kiếm tiền, tiêu tiền để có bình an
Theo Ths.An, khi nhớ tiền bạc là vật ngoài thân là nhớ, chúng ta đến cuộc đời với hai bàn tay trắng và ra đi cũng không mang theo thứ gì, thì đừng để hư hao tâm mình vì tiền bạc.
Là người gắn bó với người trẻ, anh có nhận xét gì về việc sử dụng tiền bạc của người trẻ hiện nay?
- Ths Lê Trường An: Một điều có thể thấy ngay đó là, hiện nay đại đa số gia đình chỉ có từ một đến hai con nên con cái trở thành trung tâm. Kinh tế của người dân cũng ổn định, thu nhập khá hơn trước nên phụ huynh chăm lo cho con cái đầy đủ hơn.
Từ nhỏ, các bạn đã được bố mẹ chu cấp tiền ăn, sắm sửa quần áo, cùng các khoản khác khiến người trẻ được lớn lên trong môi trường “dễ thở” hơn so với thế hệ trước. Thói quen sống trong điều kiện đầy đủ, giữa quan niệm để con mình bằng bạn bằng bè đã tạo ra một bộ phận người trẻ sử dụng tiền từ bố mẹ một cách dễ dãi.
Thêm nữa, các dịch vụ hiện tại cũng nhiều hơn nên người trẻ cũng có nhiều lựa chọn, từ giải trí đến mua sắm cho bản thân. Các dịch vụ này luôn tìm mọi cách kích thích nhu cầu, gợi mở, thôi thúc mọi người mở hầu bao để mua, ngay cả khi chưa thật có nhu cầu. Chính vì vậy, với những người “trẻ người non dạ”, không biết kiềm chế trong chi tiêu, mua sắm thường sẽ bị thiếu hụt, hoặc trở nên đua đòi, bất chấp khó khăn của bố mẹ.
Tất nhiên, cũng có bộ phận người trẻ khác biết tự lập, kiếm tiền ngay khi ngồi trên ghế giảng đường và biết cách chi tiêu hợp lý. Trong số đó, có nhiều người trẻ thành công sớm, biết tận dụng công nghệ để phát triển bản thân, trở thành tấm gương lao động cho cộng đồng. Bản thân tôi cũng phải học hỏi các bạn như thế này, với sự ngưỡng mộ.
Theo anh, giữa kiếm tiền và xài tiền có mối liên hệ như thế nào?
- Một người kiếm tiền chân chính - đổ mồ hôi và trí lực từ việc kiếm tiền của mình thì sẽ biết xài tiền tiết kiệm, đúng mục đích. Khi đó họ sẽ cân nhắc từng chi tiêu của bản thân để mỗi đồng tiền đều mang ý nghĩa nhất định. Đó có thể là sử dụng tiền để kinh doanh, tạo thêm giá trị cho bản thân, cộng đồng; hoặc đóng góp cho việc thiện nguyện, cứu tế, chẩn bần.
Tôi nghĩ, những đồng tiền dễ kiếm và từ nghề nghiệp không chân chính chắc chắn người ta sẽ dễ dãi trong khi tiêu xài, dẫn tới việc sử dụng vào những mục đích có hại, phô trương…
Anh vừa nói đến nghề nghiệp chân chính?
- Đó là những nghề nghiệp mà pháp luật không cấm, đồng thời không trái với đạo đức, tổn hại đến người khác. Kiếm tiền chân chính ngoài chọn công việc có lợi cho mình và người thì còn ở thái độ làm nghề nữa. Có những người làm nghề tốt nhưng lạm dụng công việc đó để trục lợi. Ví dụ nhà báo ép doanh nghiệp đưa tiền để không đăng sai phạm, hoặc gỡ bài đã đăng; hay lạm thu tiền trường của những nơi, những chỗ khiến dư luận bức xúc gần đây; hoặc bác sĩ kê đơn thuốc để kiếm hoa hồng…
Vi tế hơn, thái độ làm nghề còn là sự tôn trọng công việc mình đang làm, biết ơn nơi mình đang công tác đã cho mình cơ hội để cống hiến, trải nghiệm, thành công. Có rất nhiều người ít tài kém đức được làm trong một cơ quan tốt đã làm việc một cách làng nhàng để lãnh lương. Cũng có những người cố ngoi lên những vị trí cao để rồi tắc trách gây hậu quả nghiêm trọng hoặc nhận hối lộ dẫn tới thiệt hại lớn cho tổ chức. Tất cả những trường hợp kiểu như vậy theo tôi là kiếm tiền không chân chính. Hậu quả thì ai cũng thấy, nhãn tiền.
Hồi nãy anh có nói đến xài tiền hợp lý. Anh có gợi ý nào cho việc sử dụng tiền bạc với người trẻ?
- Tôi rất tâm đắc với lời dạy của Đức Phật về việc sử dụng tiền bạc trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt. Trong bản kinh đó, Đức Phật khuyên mỗi người khi tạo ra của cải nên chia tài sản làm bốn phần: một phần chi tiêu những nhu cầu hợp lý của mình và người thân, hai phần kế tiếp dành cho việc đầu tư vào các kế hoạch phát triển kinh tế và phần cuối cùng cất kỹ, để dành, phòng khi khó khăn hoạn nạn, làm từ thiện.
Thực tế, lời khuyên của Đức Phật đem tới an toàn cho tài chính của mỗi người. Hiện nay, tôi được biết, cách quản lý tài chính của nhiều người thành công cũng theo hướng này. Còn gì ý nghĩa hơn khi làm ra tiền, giúp được cho mình và gia đình có cuộc sống ổn định hơn, rồi còn có một ít để chia sẻ với tha nhân?
Với những người luôn “vung tay quá trán”, anh có lời khuyên nào không?
- Với những người tiêu xài phung phí khi mình chưa làm ra tiền thì nên nghĩ tới sự khó khổ của bố mẹ. Đừng tạo thói quen xài sang để rồi sau đó phải đánh đổi nhiều thứ, lâm vào cảnh nợ nần trong tương lai. Thực tế đã có những người vì muốn sống sung túc trong khi năng lực mình không có gì, đã phải bán mình cho quỷ dữ. Hoặc có những người bị lọt lưới “việc nhẹ lương cao” cũng chính vì mong muốn kiếm tiền nhiều và nhanh.
Còn lại, các bạn nên lập ra kế hoạch chi tiêu cho bản thân để ổn định kinh tế gia đình mình. Tất nhiên, trong điều kiện lương thấp, giá cả tăng dần đều như hiện nay thì đòi hỏi thu đủ chi đã là vấn đề nan giải. Tôi hiểu được nỗi niềm của nhiều đồng nghiệp giáo viên của mình phải bỏ nghề, hay các bác sĩ không tiếp tục công việc vì thu nhập thấp. “Thắt lưng buộc bụng” là cách mà những người yêu nghề bám trụ với công việc dù đã tiết kiệm lắm rồi.
Xin cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!
Tiền bạc là vật ngoài thân… Nhớ điều này để không quá ham kiếm tiền mà đánh đổi sức khỏe đến kiệt quệ. Tôi biết có những người trẻ cày ngày cày đêm, thậm chí vì hợp đồng này kia đã đi nhậu bất chấp. Cân bằng trong công việc, kiếm tiền và tiêu tiền là cách giữ cho sức khỏe, tinh thần mình ổn định. Nhớ tiền bạc là vật ngoài thân là nhớ, chúng ta đến cuộc đời với hai bàn tay trắng và ra đi cũng không mang theo thứ gì, nên đừng để hư hao tâm mình vì tiền bạc. Có nhiều tiền để rồi phải nơm nớp lo sợ quả báo, rồi phải tù tội sau đó thì có đáng không? Thân bại danh liệt vì tiền bạc trên đời rất nhiều người, bài học sống động ấy chúng ta nên ghi nhớ để không đi vào hố thẳm. Nhớ tiền bạc là vật ngoài thân còn để mình không ki bo, mở lòng chia sẻ với những hoàn cảnh ngặt nghèo hơn. Ông bà mình nói đó là tích đức cho con cháu hay gieo tạo phước lành cho bản thân. Với tôi, đó cũng là cách bỏ ngân hàng. Một ngân hàng đặc biệt, lãi thu được không phải bằng tiền mà là niềm vui cho mình, nụ cười cho người, ấm áp! ThS Lê Trường An |