Sập 'bẫy tình' bạn trai đang công tác trên Trạm vũ trụ quốc tế
Nếu vụ việc này không được đưa tin bởi hai hãng tin tức lớn nhất Nhật Bản - Mainichi và Kyodo News - thì mọi người có lẽ sẽ nghĩ đây là một tác phẩm tưởng tượng đầy châm biếm của The Onion. Tuy nhiên, một phụ nữ 65 tuổi đến từ tỉnh Shiga của Nhật Bản đã thực sự yêu một người đàn ông tự xưng là phi hành gia người Nga và gửi cho anh ta 30.000 USD để giúp anh ta trở về Trái Đất từ Trạm vũ trụ quốc tế.
Họ bắt đầu gặp nhau trên mạng xã hội Instagram từ tháng 6/2022, trước khi nhắn tin thường xuyên qua ứng dụng trò chuyện Line, theo TV Asahi.
"Phi hành gia Nga" nói trên tán tỉnh, nói lời yêu thương và hứa sẽ cưới người phụ nữ Nhật sau khi quay về Trái Đất.
Một trong những tin nhắn có đoạn: "Tôi muốn khởi đầu cuộc sống ở Nhật Bản. Nói điều này ngàn lần cũng không đủ, nhưng tôi vẫn sẽ nói. Tôi yêu em".
Tuy nhiên, người này than rằng hiện không có tiền để về, và hỏi xin "người tình" số tiền 30.000 USD để mua tên lửa và trả "phí đáp" xuống Trái Đất.
Tình tiết trong câu chuyện mà "phi hành gia người Nga" đặt ra có rất nhiều điểm đáng ngờ để quy kết đây là một vụ lừa đảo nhưng do đã rơi vào lưới tình, người phụ nữ (65 tuổi) vẫn quyết định làm theo yêu cầu của người yêu.
Vậy là trong tháng 8 và tháng 9, người phụ nữ trên đã đi gửi tiền cho "phi hành gia", chia làm 4 lần, mà lại gửi vào một tài khoản trên Trái Đất.
Thấy lừa tiền của người ở Trái Đất có vẻ dễ, "phi hành gia" bảo bà gửi thêm tiền. Lúc này bà mới đi báo cảnh sát.
Cảnh giác trước nguy cơ bị 'lừa tình' trên mạng
Theo Kaspersky, lừa đảo tình ái đang gia tăng kể từ năm 2020, từ khi đại dịch bắt đầu tấn công thế giới. Khi việc đi lại bị hạn chế, internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, đã trở thành phương tiện kết nối trọng yếu cho mọi người.
Nghiên cứu của Kaspersky cho thấy, trong thời gian cách ly tại từng địa phương và trên cả nước, hơn một nửa (53%) người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới đã sử dụng các mạng xã hội này nhiều hơn so với trước đây.
Nghiên cứu này cũng cho thấy 18% trong số 1.007 người trưởng thành đến từ khu vực Đông Nam Á tham gia khảo sát nói rằng họ sử dụng mạng xã hội chủ yếu để tìm kiếm mối quan hệ tình cảm và phần lớn trong số họ (76%) xác nhận mạng xã hội đã mang lại cho họ một kết nối quan trọng trong thời kỳ khẩn cấp về y tế trên toàn cầu.
Ngoài ra, gần một phần tư (24%) người tham gia khảo sát từ khu vực Đông Nam Á nói họ đã xây dựng tình bạn cá nhân trong đời thực với những người gặp lần đầu tiên trên mạng xã hội, 18% khác nói họ từng hẹn hò với một người gặp trên những nền tảng đó.
Các dấu hiệu cảnh báo về lừa đảo hẹn hò trực tuyến trên mọi nền tảng và ứng dụng bao gồm:
- Thể hiện cảm xúc mãnh liệt chỉ trong thời gian rất ngắn.
- Nhanh chóng chuyển từ các trang web hoặc ứng dụng hẹn hò sang các kênh riêng tư.
- Kẻ lừa đảo hỏi rất nhiều câu về bản thân bạn.
- Câu chuyện của chúng không nhất quán. Những kẻ lừa đảo đôi khi hoạt động theo nhóm, trong đó những kẻ lừa đảo khác nhau cùng ẩn sau một danh tính.
- Chúng không để lại dấu vết trên mạng. Mặc dù có một số người không sử dụng mạng xã hội và cố gắng giảm thiểu lượng thông tin cá nhân về họ trên internet, nhưng bạn nên nghi ngờ khi không thể tìm được bất kỳ dấu vết nào của một ai đó trên mạng.
- Không gọi điện video hoặc gặp mặt trực tiếp. Những người bị lừa thường nói rằng người nói chuyện với họ thường xuyên viện lý do tránh sử dụng camera.
- Mượn tiền để giải quyết khó khăn cá nhân, ví dụ: người thân bị bệnh hoặc công việc kinh doanh thất bại.
Để phòng tránh lừa đảo tình ái, cần thận trọng với bất kỳ mối quan hệ trực tuyến nào phát triển quá nhanh để giữ an toàn cho trái tim và chiếc ví của bạn.
Theo Gia đình và Xã hội