Phập phù bữa ăn học đường và nỗi lo chất lượng đồ ăn không đảm bảo
Nhiều nỗi lo
Phụ huynh Trường THCS Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội khi bất ngờ kiểm tra bếp ăn bán trú ở trường đã vô cùng bức xúc khi chứng kiến bữa ăn rất đạm bạc của các con.
Các bữa ăn học đường thời gian qua luôn khiến các bậc phụ huynh bất an lo lắng bởi nó không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm mà ngay đến việc bảo đảm số lượng tối thiểu cũng là vấn đề cần bàn.
Cụ thể, 1 suất cơm bán trú có mức giá 32.000 đồng, chỉ bao gồm 1 miếng giò nhỏ, 1 ít khoai tây và 3-4 miếng cá chiên giòn, lèo tèo vài ba sợi giá.
Hôm khác, thực đơn vẫn chỉ là một ít khoai tây, 3-4 miếng cá chiên giòn nhỏ và thay miếng giò bằng một miếng thịt nhỏ. Nhiều phụ huynh ngôi trường này bức xúc cho rằng, họ mong muốn được nhà trường cung cấp rõ, với suất ăn giá 32.000 đồng/cháu, chi phí thuế, nhân công, điện nước, gia vị, định lượng thực phẩm... là bao nhiêu.
Thời gian qua có không ít phụ huynh nghi ngờ chất lượng bữa ăn bị rút ruột và nghi lãnh đạo nhà trường ăn “hoa hồng” trên bữa ăn của trò.
Cuối tháng 7/2022, thông tin Hiệu trưởng, kế toán và bếp trưởng Trường Tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp, TP.HCM) nhận tiền hằng tháng từ các đơn vị cung cấp thực phẩm (cho bữa ăn bán trú) với tổng số tiền 436 triệu đồng khiến nhiều người phẫn nộ.
Các phụ huynh đặt ra câu hỏi, việc nhận số tiền đó nghĩa là bữa ăn bán trú của học sinh đã bị “rút ruột” nghiêm trọng, vậy dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn sẽ ra sao?
Không chỉ là về khẩu phần ăn còn nhiều nghi ngại mà chất lượng bữa ăn còn là vấn đề quan ngại hơn khi thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến dư luận bất an.
Gần đây nhất, ngày 28/9, 28 học sinh lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải (Thái Bình) bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh ngọt tại lớp.
Theo đánh giá bước đầu của Chi cục An toàn thực phẩm Thái Bình, nguyên nhân ngộ độc là món bánh bông lan trứng muối, căn nguyên do vi sinh vật.
Chi cục An toàn thực phẩm Thái Bình sẽ xem xét các hành vi vi phạm pháp luật của cơ sở để xảy ra ngộ độc thực phẩm, kiến nghị xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 28/4/2023 các giáo viên Trường Mầm non Phong Thủy, huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình đã phát hiện vật thể đỉa trong bình nước nhà trường mua về cho học sinh sử dụng.
Sản phẩm này là của Công ty Cổ phần nước khoáng Bang (địa chỉ tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy), một đơn vị sản xuất nước khoáng, nước giải khát đóng chai được nhiều trường học trên địa bàn huyện Lệ Thủy đang sử dụng.
Tại TP.HCM, thời gian qua cũng liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 12/4 làm 38/717 học sinh dùng bữa ăn trưa tại Trường THCS Rạng Đông (đường Phan Chu Trinh nối dài, P.12, Q.Bình Thạnh) bị ngộ độc.
Vụ ngộ độc thực phẩm thứ hai do vi khuẩn Clostridium Botulinum xảy ra tại phường Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức vào ngày 13/5 khiến 3/4 người ăn nhập viện.
Trước đó là vụ ngộ độc thực phầm tại Trường iSchool Nha Trang vào năm 2022 khiến hơn 600 học sinh ngộ độc và một học sinh tử vong, hay Trường Tiểu học Kim Giang (Hà Nội) trong chuyến đi tham quan dã ngoại vào đầu năm nay cũng gây xôn xao dư luận.
Kiểm soát thế nào?
Với vụ việc tại trường THCS Yên Nghĩa, thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết, sau khi làm việc với Công ty cung cấp thức ăn, cơ sở xác nhận thời điểm đó do số lượng nhân viên ít, số lượng suất ăn nhiều (khoảng 500 suất), thời gian chia suất ăn ngắn (30 phút để bảo đảm thức ăn nóng), nên các suất ăn chưa đều nhau.
Các nhân viên chia thức ăn đã nhận lỗi về việc này. Công ty đã tổ chức rút kinh nghiệm, nhận thiếu sót và cử bổ sung nhân viên.
Ban giám hiệu nhà trường cũng đã nhận lỗi thiếu sót trong việc giám sát khâu chia khẩu phần ăn; đồng thời làm việc ban đại diện phụ huynh học sinh để xin rút kinh nghiệm, cam kết tiếp tục giám sát chặt chẽ bữa ăn bán trú, không để lặp lại sự việc.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông đề nghị Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo và giám sát bữa ăn bán trú;
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tương tự; đồng thời thường xuyên lắng nghe ý kiến phụ huynh học sinh về chất lượng bữa ăn; bổ sung cán bộ, nhân viên cùng đại diện phụ huynh học sinh giám sát chặt chẽ toàn bộ quy trình tổ chức bữa ăn bán trú.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận sẽ phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác bán trú tại các trường học trên toàn địa bàn quận.
Thiết nghĩ, cứ sau mỗi phản ánh của phụ huynh và áp lực từ dư luận các đoàn thanh tra, kiểm tra lại vào cuộc nhưng dường như đó là căn bệnh trầm kha khó chữa, các cơ sở chỉ nghiêm chỉnh một thời gian rồi sau lại đâu vào đấy.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cho hay, hiện mô hình thứ hai phổ biến, có thể chiếm tới 80% cơ sở áp dụng, nhưng thực tế các vụ ngộ độc xảy ra lại chủ yếu từ đây.
Khi liên kết để cung cấp suất ăn, các trường đều cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh bằng cách công khai cơ sở cung cấp suất ăn, nguồn gốc thực phẩm, quy trình giao nhận, chế biến; thực đơn bữa ăn, danh sách Ban Giám hiệu, giáo viên, phụ huynh học sinh tham gia giám sát (công khai theo tuần).
Nhiều trường còn thành lập Tổ Giám sát an toàn thực phẩm, có Ban Đại diện cha mẹ học sinh tham gia; Ban Giám hiệu phân công lịch trực nhận thực phẩm cho các lớp, đến lớp nào trực thì đại diện Ban Phụ huynh lớp đó sẽ đến kiểm tra, giám sát. Có trường còn quản lý những người ra vào khu vực bếp, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình chế biến.
Dù quy trình kiểm soát chặt chẽ là vậy, nhưng nhiều vụ ngộ độc vẫn xảy ra. Bác sĩ Thu cho rằng, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong việc quản lý chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh.
Điển hình như ngoài kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào, nhiều cơ sở chưa kiểm soát được các yếu tố khác có ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, như phương tiện, dụng cụ chế biến, cách bảo quản, thời gian vận chuyển.
Thực phẩm nguồn gốc rõ ràng, nhưng bảo quản sai cách, thời gian vận chuyển quá lâu cũng có thể làm xuất hiện các yếu tố gây hại cho sức khỏe.
Việc các cơ sở, trường học ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với bên thứ ba cũng là một vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguyên nhân là do cơ sở cung ứng ở xa bếp ăn tập thể, khó kiểm soát được thực phẩm đầu vào, khó kiểm soát khâu chế biến, thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi nấu đến nơi sử dụng dài.
Để nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo PGS-TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) bếp ăn tập thể phải đảm bảo 3 điều kiện và thực hiện 3 bước kiểm thực.
Ba điều kiện bao gồm cơ sở chế biến phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh, sạch sẽ, thoáng mát; có biện pháp ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại; có đủ nước sạch, có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải.
Dụng cụ, đồ chứa đựng, nấu nướng thực phẩm như nồi, niêu, xoong, chảo, bát đũa… phải bảo đảm an toàn vệ sinh. Người chế biến thực phẩm phải được đào tạo, tập huấn về an toàn thực phẩm và kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Ba bước kiểm thực là kiểm tra các nguyên liệu, thực phẩm nhập vào trước khi chế biến thành thức ăn để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc và giám sát an toàn thực phẩm; kiểm tra điều kiện vệ sinh từ thời điểm bắt đầu sơ chế, chế biến cho đến khi thức ăn được chế biến xong; kiểm tra cảm quan, mùi vị, chất lượng thức ăn trước khi ăn.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tập thể không chỉ nằm ở khâu chế biến, nấu nướng, mà còn ở khâu vận chuyển. Quá trình chế biến, nấu nướng có thể đảm bảo an toàn, nhưng nếu vận chuyển đến nơi khác thì thức ăn cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn do để lâu quá, do dụng cụ chứa đựng hoặc do tay người vận chuyển, phân chia suất ăn không được vệ sinh sạch sẽ.
"Ngoài ra, còn có các nguy cơ khác như thức ăn bị nhiễm bụi bẩn trong không khí hoặc bị các loài côn trùng như ruồi nhặng đậu vào và bị nhiễm khuẩn”, PGS-TS Trần Đáng phân tích.