Nỗi niềm con trẻ
Một ngày của bé Mai dày đặc thời khóa biểu, hết học ở trường lại học thêm ngoại ngữ ở trung tâm vào lúc chiều tối. Ăn cơm xong, vừa buông đũa bát, Mai đã bị mẹ giục: “Đến giờ học ở nhà cô giáo rồi, đi thôi con”. Mai thất thểu ôm cặp sách sang nhà cô để học tiếp từ 7-9 giờ tối. Hôm nào cũng thế, kể cả hai ngày nghỉ cuối tuần, Mai vẫn phải đi học thêm để luyện chữ đẹp. Đến khi chìm vào giấc ngủ, Mai vẫn còn nói mê về những con số và những bài tập đọc. Chỉ vì chị Thu, mẹ bé quá kỳ vọng vào con. Chị muốn con gái mình phải học thật giỏi và giỏi toàn diện. Sợ con thua bạn kém bè nên từ khi Mai bước vào lớp một, chị Thu đã năn nỉ cô giáo chủ nhiệm làm gia sư cho con vào các buổi tối và thuê hẳn một giáo viên viết chữ đẹp để giúp con luyện chữ. Chị còn mua thẻ trị giá hàng chục triệu đồng để con được học ngoại ngữ với người nước ngoài. Vợ chồng chị muốn con được “phát triển toàn diện” nên ra sức nhồi nhét. Còn hở tí thời gian nào, chị bắt con học cả đàn nữa. Mặc dù Mai mới học lớp một mà lịch học chẳng kém gì học sinh chuẩn bị thi đại học. Có hôm bà nội đến chơi, Mai sà vào lòng bà thủ thỉ: “Bà ơi! Bao giờ con mới được nghỉ hè? Con chỉ muốn nghỉ hè thôi bà ạ. Đi học nhiều con thấy mệt lắm!”, hay “Bà ơi! Con muốn đi chơi công viên, con muốn thả diều như các bạn nhưng mẹ con không cho. Mẹ bảo phải học thì mới giỏi được”... Bà nội thương cháu, khuyên các con đừng bắt Mai học nhiều quá: “Đừng lấy mất tuổi thơ của nó. Học hết lớp một chỉ cần đọc thông viết thạo là được rồi”. Nhưng chị Thu gạt đi: “Bây giờ không như thời xưa đâu mẹ ơi! Không học là tụt hậu, là thua kém bạn bè ngay, xấu hổ với mọi người”. Mẹ chồng chị Thu tỏ vẻ bất bình: “Xấu hổ cái gì mà xấu hổ. Trẻ nhỏ cần được vui chơi, được ăn, được ngủ thoải mái. Đằng này con bé đến ăn cũng vội, ngủ cũng không ngon giấc. Hành con thì hành vừa vừa thôi”. Dù mẹ chồng nói như thế nhưng chị Thu vẫn cứng giọng: “Mẹ thử xem có đứa trẻ nào chỉ ăn với chơi không?”. Lần nào nói đến chuyện học hành của Mai là mẹ chồng nàng dâu lại bất đồng quan điểm. Mẹ chồng chị Thu giận dỗi bỏ về. Kết quả, học hết cả năm lớp 1, Mai không tăng lên được cân nào. Vốn đã còi cọc, giờ Mai lại càng xanh xao và rất lười ăn, mỗi bữa chỉ ăn được lưng cơm. Bàn tay phải của nó có ngón nổi chai, nổi tật vì luyện viết nhiều quá. Gần đến hôm tổng kết năm học, con bé lăn ra ốm, sốt ran người, thiếp đi mê man. Chị Thu cuống quýt đưa con vào bệnh viện. Bác sĩ khám xong kết luận: “Bé bị sốt virus, đặc biệt là suy nhược cơ thể. Phải bồi bổ nhiều vào”. Nhìn cháu gái như cái giẻ vắt vai, mẹ chồng chị Thu xót ruột lắm. Bà tuyên bố với vợ chồng chị: “Trẻ con chỉ lớn được vào dịp nghỉ hè nên anh chị không được bắt nó đi học thêm nữa. Con bé có phải là siêu nhân hay rô bốt đâu mà suốt ngày bắt nó chỉ có học và học. Giờ nó cứ như cái con gà công nghiệp, như cái cây cớm nắng ấy. Tôi chỉ cần cháu tôi mạnh khỏe, ngoan ngoãn là tôi vui rồi”. Nói xong, bà ôm Mai vào lòng, cưng nựng: “Cháu gái bà thích cái gì nào? Nói bà nghe xem nào?”. Mai thì thầm vào tai bà: “Con muốn được chơi, được đi tắm bể bơi”. Nghe con ao ước đơn giản như vậy, chị Thu bỗng giật mình nghĩ lại vì suốt một năm học qua, rồi cả dịp nghỉ hè nữa, vợ chồng chị không đưa con đi chơi được ngày nào mà chỉ bắt con học đến gầy cả người. Suốt những ngày trông Mai ở bệnh viện, chị Thu mới thấm thía điều gì là cần nhất cho con. Bao nhiêu dự định của vợ chồng chị cho Mai học thêm trong thời gian tới bị gạt sang một bên. Bây giờ chị mới đồng tình với quan điểm của mẹ chồng và quyết định phải trả lại tuổi thơ cho con.
NAM HỒNG