Những sai lầm cần tránh trước khi nghỉ hưu

Không lập kế hoạch từ trước, còn gánh nặng về nợ hay đầu tư quá trễ… là những sai lầm thường gặp của nhiều người khi tính chuyện về hưu.

Với nhiều người, về hưu là thời điểm không còn bận tâm về công việc và có thể sống theo cách bản thân mong muốn. Bạn có thể chọn đi du lịch, di chuyển về vùng quê để sinh sống hoặc đơn giản là dành thời gian cho gia đình, chăm sóc con cháu. Đây cũng là giai đoạn mà mỗi người đều cần phải xây dựng kế hoạch để về hưu có thể tận hưởng cuộc sống như ý. Do đó, điều quan trọng là phải bắt đầu công tác chuẩn bị sớm nhất có thể và nên tránh những sai lầm thường gặp.

Không có kế hoạch hưu trí rõ ràng là sai lầm phổ biến nhất, theo chuyên gia của Công ty quản lý Quỹ thuộc quyền sở hữu của công ty chứng khoán Dragon Capital (DCVFM). Quá trình chuẩn bị tài chính hưu trí là sự tích lũy đầu tư dài hạn, vì thế bạn sẽ phải mất nhiều năm để thực hiện.

Việc đầu tiên là ước tính nhu cầu chi tiêu hằng tháng của bản thân sau khi nghỉ hưu, thực hiện chương trình tiết kiệm và quản lý rủi ro các khoản đầu tư.

"Một kế hoạch rõ ràng sẽ giúp bạn kiểm soát các mục tiêu có theo đúng tiến độ, dòng tiền tích lũy đầu tư có đảm bảo an toàn vốn và mang đến khoản lời lãi chấp nhận được hay chưa", chuyên gia phân tích.

Kế hoạch hưu trí cũng giúp bạn liệt kê rõ các khoản chi phí y tế. Tuổi xế chiều là khoảng thời gian dễ mắc bệnh và chi phí điều trị có thể trở thành gánh nặng nếu bạn không chuẩn bị tài chính. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2017, cả nước có 52,8 triệu lượt khám, chữa bệnh của người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 31,4% số lượt khám chữa bệnh toàn quốc. Tổng chi phí của nhóm này khoảng 35.500 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 40,2% tổng chi cả nước.

Do đó, khi không tính trước nguồn tiền và không chuẩn bị bảo hiểm để phòng ngừa, chi phí y tế có thể làm giảm đáng kể lượng tiền tiết kiệm của mỗi người. Ngoài ra, bạn nên lưu ý chuẩn bị quỹ dự phòng trong những trường hợp bất trắc nhằm giúp bản thân không phải dùng đến các khoản đầu tư hưu trí ngoài ý muốn. Sai lầm phổ biến thứ hai là vẫn còn gánh nợ khi về hưu. Người cao tuổi vẫn tiếp tục tham gia vào thị trường lao động sẽ không đảm bảo được sự ổn định về tài chính vì nhiều nguyên nhân từ sức khỏe, năng suất... Vì thế theo chuyên gia DCVFM, nếu bạn vẫn nghĩ rằng sau tuổi về hưu có thể tiếp tục đi làm để trả nợ sẽ bất khả thi.

"Trong kế hoạch hưu trí, mỗi người nên cố gắng kiểm soát nợ và giải quyết trước các khoản nợ xấu", chuyên gia lưu ý và khẳng định rằng nên trả hết nợ trước khi về hưu.

Một cụ già được tiêm vaccine ở quận Gò Vấp (TP HCM), tháng 8/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Một cụ già được tiêm vaccine ở quận Gò Vấp (TP HCM), tháng 8/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Nguyên tắc ưu tiên thanh toán nợ là trả trước các khoản có lãi suất cao. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên mỗi người nên lưu ý các khoản nợ có thể phát sinh sau nghỉ hưu do tai nạn, biến cố trong cuộc sống. Vì thế, việc xây dựng thêm một quỹ khẩn cấp để trả nợ tiềm ẩn khi về hưu cũng được xem là điều nên thực hiện.

Trong trường hợp nếu đã đến tuổi về hưu nhưng vẫn còn mang nợ, bạn chẳng còn nhiều sự lựa chọn để xử lý nợ và tích lũy tiền nghỉ hưu giai đoạn này nữa. Vì vậy, nếu còn khả năng lao động, bạn cần tiếp tục kiếm tiền nhưng có thể lựa chọn những công việc phù hợp với sức khỏe như tư vấn bán kinh nghiệm, sự hiểu biết hoặc những công việc lao động phổ thông. Đồng thời, bạn buộc phải áp dụng biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để xử lý nợ nhanh nhất có thể.

Mỗi người cần tránh tình trạng vẫn phải gánh nợ khi về hưu. Ảnh minh họa: Forbes
Mỗi người cần tránh tình trạng vẫn phải gánh nợ khi về hưu. Ảnh minh họa: Forbes

Mặt khác, định kiến "còn quá trẻ để tính chuyện nghỉ hưu" là suy nghĩ nhiều người lao động trẻ vẫn thường mắc phải. Một khảo sát của HSBC cho thấy, 54% những người bắt đầu đi làm (30-39 tuổi) chưa có kế hoạch tiết kiệm. Hơn 21% những người sắp về hưu chưa có kế hoạch trong việc chi trả thuế, hoạch toán thuế. Hơn 37% người có độ tuổi từ 50-59 hoàn toàn không có kế hoạch về hưu trí.

Theo chuyên gia DCVFM, kế hoạch hưu trí nên được bắt đầu sớm khi có những đồng lương đầu tiên. Điều này sẽ giúp bạn tận dụng được thời gian đạt được mục tiêu về hưu trí, giúp giảm áp lực cho bản thân trong giai đoạn "nước rút" tiền nghỉ hưu.

Nhờ lãi suất kép, mỗi đồng bạn tiết kiệm bây giờ sẽ tiếp tục tăng cho đến lúc nghỉ hưu. Tiền của bạn được tích lũy càng lâu, kế hoạch hưu trí của bạn càng tốt. Cắt giảm chi tiêu và ưu tiên tiết kiệm là giải pháp truyền thống nhưng hữu hiệu. Hầu hết các chuyên gia đề xuất ít nhất 10-15% tổng thu nhập nên dành cho khoản tiết kiệm hưu trí trong suốt cuộc đời làm việc của mỗi người.

Lời khuyên phổ biến là nên thận trọng khi bạn gần đạt được mục tiêu nghỉ hưu của mình. Tuy nhiên, không có giải pháp chung khi nói đến đầu tư, phân bổ tài sản và việc quản lý đầu tư phải tính đến nhiều yếu tố khác. Nguyên tắc "không nên bỏ trứng vào một giỏ" cũng giúp tiết giảm rủi ro. Mỗi người tùy theo kiến thức, kinh nghiệm và điều kiện của bản thân có thể phân bổ tài sản vào chứng khoán, vàng, bất động sản, tiền số hay tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, các kênh đầu tư thụ động nếu muốn đảm bảo tính an toàn.

"Trên thị trường đang có rất nhiều giải pháp cho người lao động để chuẩn bị kế hoạch tài chính về hưu. Ngoài việc tham gia Bảo hiểm xã hội, người lao động có thể tham gia quỹ hưu trí tự nguyện cho kế hoạch về hưu với độ rủi ro thấp giúp người về hưu có thêm thu nhập đáp ứng nhu cầu sinh hoạt", chuyên gia DCVFM tư vấn.

Ngoài ra theo Andrew Rosen - chuyên gia tài chính thường xuyên cộng tác với Forbes, ít người tính đến việc lập ngân sách khi về hưu. Mặc dù bạn có thể tuân thủ ngân sách trong cuộc đời làm việc của mình, nhưng ngân sách đó có thể phi thực tế khi bạn đã nghỉ hưu. Cũng có trường hợp nhiều người không có ngân sách cho việc nghỉ hưu của họ, điều này có thể dẫn đến việc chi tiêu quá mức và rút sạch tiền hưu trí.

Trong những năm đầu nghỉ hưu, không ít người có tâm lý tận hưởng cuộc sống và thoải mái tiêu tiền vào những điều khiến bản thân hạnh phúc. Vì thế, mỗi người cần hạch toán hợp lý ngân sách, bao gồm bất kỳ khoản chi phí lớn. Điều này sẽ giúp bản thân chuẩn bị tốt hơn và cảm thấy an tâm hơn khi "đến cái dốc bên kia của cuộc đời".

Theo VnExpress