Nhóm bạn trẻ 'vạch trần' người vô gia cư giả, xây nhà chung cho phận khốn khó

Một nhóm bạn trẻ chuyên đi "can" người khác làm từ thiện ban đêm với thông điệp "hãy từ thiện đúng nơi, đúng người" đang thu hút sự chú ý của cộng đồng.

Gần 10 năm nay, cứ tối thứ Ba hàng tuần, hội Từ thiện đêm lại chuẩn bị các túi quà đi tặng cho người vô gia cư ở 4 quận nội thành Hà Nội. Người được hội hỗ trợ chủ yếu nằm trên các tuyến phố như Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Quán Thánh, gầm cầu Long Biên…

Số thành viên của hội Từ thiện đêm hiện hơn 11.000 người, trong đó có 30 - 40 thành viên thường trực tích cực hoạt động.

Trần Minh Quân (SN 1992, Hà Nội) trưởng nhóm Từ thiện đêm cho biết: “Hiện nay số người lang thang xin đồ từ thiện tăng lên nhiều so với trước kia. Các hội nhóm từ thiện cũng rầm rộ hoạt động. Một số người coi đây là cơ hội để kiếm thêm thu nhập, giả mạo người vô gia cư lợi dụng lòng thương của các nhà hảo tâm”.

Biệt đội Spy team nhiệt tình "can" người khác làm từ thiện

Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, hội Từ thiện đêm đã thành lập biệt đội "Spy team". Đội âm thầm theo chân những người vô gia cư, xác minh ai thực sự là người có hoàn cảnh khó khăn để đưa vào danh sách nhận hỗ trợ của hội.

"Quá trình 10 năm làm thiện nguyện, việc xác minh người thật người giả mới là điều khó khăn, tốn rất nhiều thời gian và công sức của đội” - hội trưởng 9X tâm sự. 

Có nhiều nhóm đi tặng quà từ thiện không phân biệt được người vô gia cư thật giả, vì thế nhóm của Quân lại làm thêm một công việc tưởng chừng rất vô lý: ngăn cản các đội từ thiện cho quà đối tượng giả mạo.

Hàng đêm, các thành viên hội đi tới điểm người vô gia cư hay tụ tập. Một số thành viên cầm theo những tấm bìa các tông ghi nội dung “vô gia cư giả, xin hãy trao lòng tốt của bạn đúng người”; “Vô gia cư giả, xin đừng tiếp tay”… để nhắc nhở các nhóm từ thiện khác. Nhiều nhóm thấy cảnh báo như vậy cũng không phát quà cho những đối tượng giả mạo nữa.

Bất chấp nguy hiểm, các thành viên vẫn miệt mài truyền tải thông điệp cảnh báo người vô gia cư giả

Hành động này gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ những kẻ mạo danh người vô gia cư. Nhiều clip ghi lại hình ảnh mâu thuẫn, xô xát giữa hội Từ thiện đêm và nhóm giả mạo được chia sẻ lên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của cộng đồng. Khi ấy, biệt đội Spy team lại phải hoạt động tích cực để bảo vệ đồng đội và cả những người vô gia cư khác. 

“Chỉ cần những kẻ mạo danh ấy đứng một, hai tuần mà không xin được đồ từ thiện, tự khắc họ sẽ giải tán” - Quân nói.

Ngôi nhà chung cho người vô gia cư

Xem clip trên ai cũng nghĩ đây là hình ảnh của một đại gia đình hạnh phúc. Thực tế, những người cao tuổi trong clip này vốn là người vô gia cư được hội Từ thiện đêm đưa về sống chung dưới một mái nhà.

Từ năm 2020, hội Từ thiện đêm thành lập ngôi nhà chung dành cho người vô gia cư. Sau khi được đội Spy xác minh, hội sẽ mời người có hoàn cảnh đặc biệt vào sống tại đây.

Ngoài trả tiền thuê nhà trọ, cung cấp đồ dùng sinh hoạt, hội còn trợ cấp mỗi người 500.000 đồng/tháng với điều kiện: không được tiếp tục đi xin tiền. Hàng ngày, những người này sẽ tự đi làm kiếm sống bằng cách nhặt ve chai, đi rửa bát, làm thuê…, phù hợp với sức lao động của họ.

Trong 2 năm, hội đã hỗ trợ giúp 15 người vô gia cư có nhà. Tuy nhiên, đến đầu năm 2023 chỉ còn 7 người đang sống trong nhà chung. 

“Có những người thích sống ở vỉa hè, thích ngồi một chỗ xin đồ từ thiện chứ không muốn đi làm. Hoặc có những người khi về nhà chung họ lại cờ bạc, uống rượu… Những người không chịu vươn lên, lười lao động đó đều bị mời ra khỏi nhà chung”, Quân giải thích.

Nhờ mạnh thường quân, những người vô gia cư đã có một mái nhà chung. Họ sống an toàn, vui vẻ cùng nhau như một gia đình.

Mỗi mảnh đời trong ngôi nhà chung đều là một câu chuyện cảm động về cuộc đời phiêu bạt.

Ông H. đã hơn 80 tuổi, quê Hưng Yên. Ông phiêu bạt khắp nơi từ khi mới 12 tuổi, nhặt rác sinh sống qua ngày. Khi về già, ông bám trụ vỉa hè trước nhà tang lễ Trần Thánh Tông. Tháng 4/2020, không may ông H. bị tai nạn chấn thương sọ não. Hội Từ thiện đêm hỗ trợ viện phí giúp ông điều trị và đưa về nhà chung sinh sống. “Tuổi cao sức yếu, ông H. vẫn đi nhặt rác kiếm sống. Nhóm tự nhận trách nhiệm trợ giúp ông suốt đời”, Quân nói.

Ông Q. vốn có nhà tại Hà Nội. Thế nhưng sau khi sang tên cho con cháu, ông bị đuổi ra đường, trở thành người vô gia cư. Lang thang gần 10 năm nay, hiện hơn 80 tuổi, ông được nhóm đưa vào nhà chung sinh sống.

"Còn nhiều người vô gia cư có hoàn cảnh khó khăn đang ngày đêm cảnh màn trời chiếu đất, nhưng với sức và lực có hạn, nhóm chúng tôi mới giúp đỡ được số ít như vậy", Quân nói.

Ảnh, clip: Nhân vật cung cấp