Người trẻ Hàn Quốc: Nghèo vẫn mua xe sang
Park, 35 tuổi, người vừa sống sót sau cơn mê xe sang chia sẻ: “Năm 2020, khi tình hình đại dịch đang khá là tệ thì tôi đi mua chiếc Porsche. Tôi mất 2 triệu won (35,6 triệu đồng) mỗi tháng để trả góp xe. Vì thế, tôi phải chấp nhận không đi mua sắm, không ăn ở ngoài, và đôi khi là không bước chân ra khỏi nhà nữa”.
Vào đầu những năm 2010, nhiều đàn ông ở độ tuổi 20-30 mê mẩn những chiếc ô tô hạng sang. “Trong khi tôi mua chiếc Porsche thì một người bạn tôi đi mua căn hộ. Giá nhà của anh ấy đã tăng ít nhất 300 triệu won. Còn tôi thì nhận được gì? Tôi đã bán chiếc xe mà vẫn mang nợ”.
Lee, sinh viên đại học 21 tuổi đã mua một chiếc BMW cũ vào năm ngoái bằng phần lớn tiền tiết kiệm của mình. “Được lái chiếc BMW của riêng mình là mơ ước của tôi. Tôi tìm thấy nó vào năm ngoái - một mẫu xe được sản xuất lần đầu tiên vào năm 2008 và tôi phải trả trước 5,5 triệu won (gần 100 triệu đồng) để sở hữu nó”.
Lee nghĩ rằng mình đủ khả năng chi trả khoản trả góp xe cho đến khi anh nhìn thấy đống hoá đơn.
“Nó tiêu tốn của tôi 600.000 won (10,6 triệu đồng) mỗi tháng, đôi khi lên tới 1 triệu won để sửa sang, đổ xăng và mua bảo hiểm. Tôi phải vay tiền bố mẹ, đi làm thêm như giao hàng để chi trả số tiền”.
Sáu tháng sau, tài khoản của Lee còn 3.000 won. “Lời khuyên của tôi là đừng làm giống như tôi” - Lee nói.
“Car poor” (nghèo vì đi xe hơi) là một khái niệm mà người Hàn Quốc dùng để chỉ những người như Park và Lee - những người sa sút tài chính sau khi vung tiền cho những chiếc xe sang. Nó khác với việc mua nhà bởi vì giá trị của chiếc xe ngày càng giảm.
Trong một số trường hợp, thậm chí người sở hữu xe còn phải hạn chế các mối quan hệ xã hội.
Anh Hyun, 34 tuổi - người sở hữu một chiếc Mini Cooper vào năm 2017 - cho biết: “Tôi phải từ bỏ việc hẹn hò để trả nợ và chi tiền bảo dưỡng chiếc xe”.
“Tôi đang có ý định sẽ bán nó đi” - anh nói.
Các hỗ trợ tài chính cho phép những người đàn ông này chìm đắm trong thú vui của mình ngay cả khi họ không nên làm.
Ông Kim, 41 tuổi, nhân viên bán xe cũ ở Seoul từng chứng kiến những câu chuyện như vậy suốt 13 năm qua.
“Người trẻ muốn mua xe sang nhưng không có đủ tiền vẫn có thể sử dụng các gói trả góp hàng tháng bằng thẻ tín dụng. Có xu hướng tin tưởng vào chính sách trả góp và nghĩ rằng họ có thể trả hết nợ trong một thời gian dài”.
Ngoài ra, còn có một yếu tố tuyệt vời khác khiến những người đàn ông này muốn mua xe. “Đó là cái nhìn ngưỡng mộ khi họ bước ra khỏi ô tô sang trọng. Có một cảm giác tự hào mặc dù nó bắt nguồn từ sự hời hợt”.
Kim Joong-baek, giáo sư xã hội của Đại học Kyung Hee, nhận định: “Đây là hiện tượng nảy sinh trong một xã hội mà điều quan trọng là phải tìm được sự thoả mãn và sở thích cá nhân. Tôi không nghĩ là chúng ta cần phải dán nhãn thói quen này như một thứ gì đó tiêu cực”.
Trong khi đó, giáo sư khoa học tiêu dùng Lee Eun-hee của Đại học Inha thì đưa ra lời khuyên: “Bạn nên cân nhắc xem mình có đủ khả năng chi trả với mức thu nhập hiện tại và trong tương lai hay không, trước khi mua một thứ gì đó. Chúng ta chỉ có thể gọi thứ gì đó là tiêu dùng dựa trên giá trị khi người tiêu dùng nhận thức được họ đang chi tiêu bao nhiêu và có kế hoạch tài chính tốt trong đầu”.
Theo Korea JoongAng Daily