Người phụ nữ trẻ phủ kín sân thượng bằng 500 cây bắt mồi

Sau cảm giác sợ hãi ban đầu, Hồng Thu bị cách sinh trưởng đặc biệt của loài cây có tên gọi đáng sợ hấp dẫn. Cô thử tìm hiểu rồi đam mê và phủ kín sân thượng bằng 500 loại cây này.
Một góc nhỏ vườn cây bắt mồi của Hồng Thu.

Vườn cây đặc biệt

Sáng tháng 10 nắng đẹp, Nguyễn Hồng Thu (30 tuổi, Quận 8, TP.HCM) bước lên sân thượng được quây bằng lưới trồng lan vuông vức. Thu mở cửa, bước vào không gian tràn ngập những chậu cây có nhiều hình dáng kỳ lạ.

Không có hoa, trái, những chậu cây của Hồng Thu trông vô cùng lạ mắt. Có cây nhìn từ xa hệt như những chiếc ấm có nắp đậy. Có cây lại trông như con trai, sò… với 2 nắp hình bầu dục, phía mép có những chiếc gai nhỏ, màu đỏ tía.

Đó là những cây bắt mồi hay còn được biết đến với cái tên đáng sợ “cây ăn thịt”. Thu biết đến loài cây này từ nhiều năm trước qua các bộ phim kinh dị, khám phá nước ngoài và trò chơi điện tử.

Trong phim, cây bắt mồi hiện lên đáng sợ. Hồng Thu từng nghĩ, nếu gặp loài cây này ngoài đời, cô sẽ chết ngất hoặc bỏ chạy thoát thân. Thế nhưng, khi được nhìn tận mắt, bà mẹ một con lại lập tức bị loài cây có tên đáng sợ này gây tò mò, hấp dẫn.

Vườn của Thu có những loại cây bắt mồi bé xíu.

Thu kể: “Khi tôi quen người chồng hiện tại, tôi được anh ấy dẫn lên khu vườn có trồng nhiều cây bắt mồi. Thấy chúng, tôi vô cùng ngạc nhiên. Trông chúng nhỏ bé, đáng yêu, hiền lành chứ không đáng sợ như trong phim.

Chúng rất lạ và hoàn toàn khác những hiểu biết của tôi trước đó. Cây bắt mồi gây cho tôi sự tò mò tương tự như việc cây trinh nữ biết tự khép lá, e lệ khi bị tay người chạm vào. Tôi cũng thích cơ chế bắt mồi đa dạng của chúng”.

Sự tò mò thôi thúc Thu tìm hiểu, nghiên cứu loài cây này. Cô bắt đầu tìm tài liệu và trồng thử những loại cây bắt mồi trong, ngoài nước. Càng tìm hiểu, Thu càng bị loài cây độc đáo này thu hút.

Đến nay, Hồng Thu đang sở hữu hơn 500 cây bắt mồi với hơn 20 loài khác nhau như: Dionaea muscipula (cây bẫy kẹp); Drosera (cây gọng vó); Nepenthes (cây nắp ấm); Sarracenia (cây hố bẫy); Pinguicula (cây cỏ bơ)…

Mẹ trẻ này trồng các loại cây bắt mồi ngay trên sân thượng và đầu tư cho chúng nhiều tâm huyết. Do sức sống của cây bắt mồi vô cùng mãnh liệt nên Thu không cần phải bón phân. Cô chỉ tập trung vào việc tạo môi trường phù hợp cho cây.

Ngoài ra, Thu còn trồng nhiều loại bắt mồi khác thuộc chi nắp ấm có kích thước to, hình dáng độc đáo.

Thu trồng chúng trên sân thượng nơi có ánh sáng mặt trời tự nhiên. Để hạn chế cây chết vì nắng gắt, mưa lớn… Thu phủ 80% khu vườn cây bằng lưới trồng lan.

“Việc này cũng hạn chế côn trùng tiếp cận với cây quá nhiều. Bởi, cây có mùi hương đặc trưng để câu dụ côn trùng. Nếu không rào, bao bọc, côn trùng sẽ kéo đến rất nhiều. Tuy nhiên, nếu cây bắt và ăn quá nhiều côn trùng sẽ bị thối kẹp, chết”, Thu nói.

Cô cũng đầu tư hệ thống vòi phun tưới tự động. Tùy thời tiết, cô sẽ điều chỉnh thời gian tưới cho phù hợp. Việc tưới tự động giúp Thu đỡ mất thời gian, vườn cũng được tưới đều, luôn có độ ẩm thích hợp để cây phát triển tốt nhất. Thời gian còn lại, Thu dọn cỏ, tỉa cành, tìm hiểu cơ chế bắt mồi của cây.

“Lớp học sinh thái” miễn phí

Chăm sóc loài cây ăn thịt không chỉ khiến Hồng Thu thỏa trí tò mò, bà mẹ trẻ còn tìm được động lực sống từ thú chơi độc đáo này.

Thu chia sẻ: “Hầu hết các loài thực vật khác đều có hoa, trái xanh tươi, rực rỡ. Duy chỉ có cây bắt mồi là phải giành giật từng chút ánh sáng, từng con côn trùng nhỏ để sống. Dù sống trong hoàn cảnh nào, môi trường khắc nghiệt đến mấy, chúng cũng tự thân biến đổi để thích nghi.

Những điều ấy cho tôi nhiều ý nghĩa và động lực sống. Mỗi khi gặp khó khăn, tôi đều tự dặn mình: “Đến cái cây bắt mồi còn biết tự biến đổi thân mình để được sống, huống chi mình là con người” để mạnh mẽ bước tiếp”.

Hơn thế, Hồng Thu cũng tìm được những lợi ích thiết thực khi trồng loại cây có cách sinh trưởng kỳ dị này. Không chỉ mang mục đích làm đẹp cảnh quan, thỏa trí tò mò, các loại cây bắt mồi của Hồng Thu còn giúp cô loại bỏ những loài côn trùng có hại như: ruồi, muỗi, kiến…

Những ngày này, TP.HCM mưa nhiều khiến ruồi, muỗi, kiến…phát triển nhanh chóng. Thay vì sử dụng các loại bình xịt côn trùng, Hồng Thu trồng thêm nhiều loại cây bắt mồi mới.

Bằng những cơ chế bắt mồi khác nhau, các loại cây này hạn chế hiệu quả sự sinh trưởng của nhiều loại côn trùng có hại. Thế nên, Hồng thu gọi những cây bắt mồi của mình là “cỗ máy diệt côn trùng chạy bằng quang hợp”.

Hồng Thu rất vui khi có thể lan tỏa thú vui trồng cây của mình đến những người xung quanh.

Hiện nay, thú vui trồng cây bắt mồi của Hồng Thu được nhiều người hưởng ứng. Khu vườn của bà mẹ một con trở thành nơi tham quan của người yêu hoa lá, thiên nhiên.

Thậm chí, nơi đây còn được xem như một lớp học sinh thái miễn phí khi có nhiều phụ huynh dẫn con em của mình đến tham quan, tìm hiểu.

Hồng Thu chia sẻ: “Ngoài những người hàng xóm, bạn trẻ đến xem cây, chụp ảnh, khu vườn đặc biệt của tôi còn đón thêm các phụ huynh đưa con đến tham quan, tìm hiểu. Tôi ấn tượng nhất với trường hợp là cậu bé học lớp 3 đến thăm vườn.

Không chỉ đọc đúng tên khoa học của hầu hết các loài cây bắt mồi trong vườn của tôi mà em còn cho thấy có sự am hiểu đặc biệt về loài cây này. Khi được hỏi, em nói: “Em luôn thích khám phá tự nhiên. Bất cứ vườn cây lạ mắt nào em thích, em sẽ quyết định đến thăm”. Điều này khiến tôi rất vui, hạnh phúc”.