Người phụ nữ có tài biến lá cây thành tác phẩm tiền triệu
Biết thêu tay từ khi 9 tuổi
Sinh ra và lớn lên tại làng nghề thêu tay truyền thống huyện Vũ Thư (Thái Bình), chị Quản Thị Cúc (hiện 35 tuổi, sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã sớm học được nghề từ người mẹ của mình. Thấy mẹ thêu các tác phẩm đẹp mắt, chị cũng mày mò rồi tự làm theo.
Khi lên 9-10 tuổi, chị đã tự thêu được các sản phẩm hoàn chỉnh. Một số bước thêu chưa tốt, chưa hiểu, chị Cúc hỏi thêm mẹ để có thể hoàn thiện sản phẩm, giúp đỡ mẹ phần nào.
Thế nhưng khi lớn lên, chị lại không theo nghề truyền thống mà chọn một công việc khác để sinh nhai. Năm 2015, chị Cúc nghĩ đến việc phục hồi lại nghề thêu tay truyền thống vốn đã dần mai một ở làng quê tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên khi bắt tay vào việc, khó khăn chồng chất.
"Khó khăn lớn nhất là khách hàng chưa có niềm tin ở mình, không nghĩ mình có thể thêu đúng ý và đẹp được. Vậy nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm khá chật vật", chị Cúc chia sẻ.
Đã có những lúc chị phải bán hết tài sản lấy tiền đền bù cho khách vì sai sót khi dùng chỉ thêu phai màu. Nhưng vì đam mê với nghề, cũng vì cuộc sống mưu sinh, chị Cúc vẫn không từ bỏ.
Người ta nói “sau cơn mưa trời lại sáng” quả không sai. Lấy khó khăn làm động lực, chị Cúc cố gắng không ngừng nghỉ trên con đường khởi nghiệp của mình. Chị chủ động tìm hướng đi mới để sản phẩm của mình đẹp hơn, có nét khác biệt hơn.
Biến là cây thành tác phẩm… tiền triệu
Duyên thêu tay 3D trên xương lá bồ đề đến với chị Cúc thật tình cờ khi có một học viên nhờ chị chỉ cách. Bản thân chị cũng muốn nghiên cứu sâu hơn về nghệ thuật thêu 3D, sáng tạo họa tiết tinh xảo hơn trên các chất liệu khó thay vì thêu trên vải thông thường. Và rồi chị quyết định thử sức với xương lá bồ đề.
Nói về lý do chọn lá bồ đề làm chất liệu để thêu tranh 3D, chị Cúc chia sẻ: “Mình chọn lá bồ đề vì độ bền cũng như hình dáng bắt mắt của lá. Chiếc lá bồ đề còn chứa đựng ý nghĩa lớn, mang giá trị cuộc sống. Mình muốn thổi hồn, hồi sinh cho lá, mong lá sống lại với một hình ảnh mới mẻ hơn".
Theo chị Cúc, để có một chiếc lá bồ đề đúng yêu cầu phải rất tỉ mỉ từ giai đoạn chọn lá, rửa rồi ngâm nước vôi trong 60 ngày để lấy xương lá. Sau đó, xương lá được chải sạch, giữ lại đường gân rồi đem đi phơi để chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Để tạo hình thêu trên xương lá bồ đề, chị tìm mẫu thêu, phác thảo mẫu lên giấy sau đó in mẫu lên lá rồi mới tiến hành thêu.
"Nói về việc thêu trên xương lá bồ đề mình chỉ thấy khó khăn mà không thấy thuận lợi ở đâu cả. Thứ nhất là khó khăn về việc tìm nguồn lá vì kiếm được những chiếc lá lành lặn, hoàn hảo không phải việc đơn giản. Thứ hai là khó khăn về con người. Thêu lá rất khó nên ít người có đủ kiên nhẫn và sự khéo léo để làm. Việc tiêu thụ sản phẩm cũng không hề dễ vì giá thành khá cao. Việc thêu trên lá khó khăn gấp nhiều lần so với thêu trên vải. Kim thêu phải chọn loại nhỏ nhất và chỉ thêu chỉ được một sợi để hạn chế việc rách lá", chị Cúc nói về những khó khăn khi thêu tranh 3D trên lá.
Thời gian đầu chị Cúc không biết phải bỏ đi bao nhiêu chiếc lá vì sai sót trong quá trình thêu. Phải mất hơn hai tháng rèn luyện chị mới trở nên thành thạo, nhịp nhàng và nghệ thuật hơn với mỗi đường thêu.
Theo chị, thời gian hoàn thành một bức thêu phụ thuộc vào kích thước lá và họa tiết sản phẩm. Có sản phẩm mất một ngày, có sản phẩm lại mất cả tháng để hoàn thiện. Vì kì công nên mỗi tác phẩm của chị có giá dao động từ 400.000 đến 5 triệu đồng.
Các tác phẩm chị Cúc thêu phong phú và đa dạng về mẫu mã. Đa số chị thêu chữ thư pháp và các loài hoa mang ý nghĩa tốt đẹp kèm theo. Ngoài ra chị hay thêu các hình con vật như công, chim phượng, đại bàng... và phong cảnh như Chùa Một Cột, cờ, tượng Phật...
"Mỗi sản phẩm mình đều dành tất cả tâm và sức vào đó. Sản phẩm nào đối với mình cũng có ý nghĩa nhất định, mình luôn trân trọng và biết ơn chính những tác phẩm mình làm ra", chị Cúc bộc bạch.
Nhờ nỗ lực của bản thân, chị Cúc ghi được dấu ấn trong lòng người yêu nghệ thuật. Các tác phẩm của chị sau khi chia sẻ được đón nhận nhiệt tình. Ai cũng ngưỡng mộ tài thêu tay của chị. Khó có thể ngờ rằng chỉ một chiếc lá mà nhờ đôi bàn tay của chị Cúc lại trở nên sống động, xinh đẹp đến lạ kì.
Đối với nhiều người, tác phẩm của chị Cúc không chỉ là một bức tranh nghệ thuật để thưởng thức mà đó còn là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp. Đó là nơi để người ta nhớ về nghệ thuật thêu tay của ông bà xưa.
Chị Cúc cho hay, bản thân mình cũng rất vui khi nhận được nhiều lời khen và công nhận sản phẩm thêu tay của mình.
Với những cống hiến đó, năm 2019, chị Quản Thị Cúc được Trung ương Hội Nghệ nhân cấp giấy chứng nhật đạt danh hiệu Nghệ nhân bàn tay vàng.
Tháng 8/2022, chị nhận được danh hiệu Nghệ nhân Quốc gia. Bản thân chị tự hào vì là nghệ nhân trẻ nhất trong ngành thêu tay truyền thống, có đóng góp cho việc giữ gìn và phát triển nghề.
'Tương lai, mình vẫn sẽ tập trung nghiên cứu và tiếp tục cống hiến cho nghề thêu tay truyền thống những tác phẩm mới lạ, nghệ thuật. Mình hi vọng nghề ngày một phát triển và lớn mạnh hơn, được nhiều bạn trẻ yêu thích và theo đuổi", chị Cúc tâm sự.
Ảnh NVCC