Ngành xuất bản đang chuyển đổi số như thế nào?

Chuyển đổi số là một nhiệm vụ không hề đơn giản, bởi nó liên quan đến nhận thức, thói quen, lối mòn trong suy nghĩ,...

Ngày nay, với sự tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ đóng vai trò then chốt, là động cơ thúc đẩy sự đổi mới trong ngành xuất bản. Vì thế, việc đổi mới và phát triển ngành xuất bản theo hướng số hóa là một yêu cầu tất yếu, bắt buộc.

Chuyển đổi số - câu chuyện thời đại

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch Alpha Books, xuất bản là thị trường nhỏ, lẻ nên việc chuyển đổi số diễn ra chậm. Ngoài xuất bản sách, nhiều người làm công việc mang ý nghĩa “công bố”, “xuất bản” thông tin trên mạng xã hội, Internet, các nền tảng công nghệ.

Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông nhận định, thực tế cho thấy chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản đã từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, thể hiện rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử. Hầu hết các nhà xuất bản, công ty sách đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, phát hành.

Các kênh phát hành cũng sẽ được mở rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ của các kênh phát hành truyền thống với các hệ thống phát hành trực tuyến được xây dựng theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện. Nghĩa là tương thích và phù hợp với mọi chủng loại thiết bị, kích thước màn hình, nền tảng công nghệ thiết kế ra thiết bị và phần mềm điều khiển thiết bị đó. Hiện nay, các loại hình sách mới như ebook, audiobook, video book đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường xuất bản Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc thông thường mà còn đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng đặc biệt khác như học sinh các cấp học, người khiếm thị,...

Dẫu có những thành tựu bước đầu nhưng câu chuyên chuyển đổi số là một nhiệm vụ không hề đơn giản bởi nó liên quan đến nhận thức, thói quen, lối mòn trong suy nghĩ và thực hiện nhiệm vụ hàng ngày. Hơn thế nữa là nguồn kinh phí thực hiện cũng không hề nhỏ.

Theo ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành thì chuyển đổi số đang là câu chuyện thời đại. Ông Nguyên cho rằng có 4 giai đoạn của chuyển đổi số trong xuất bản. Đầu tiên là các đơn vị tiến hành số hóa dữ liệu. Thứ hai là triển khai ứng dụng các nền tảng cho những hoạt động đơn giản. Thứ ba là ứng dụng nền tảng vào hoạt động phức tạp, quy trình xuất bản (quản lý, biên tập, phát hành, truyền thông…). Thứ tư là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quy trình làm việc.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Vũ Trọng Lâm - Phó TBT Tạp chí Cộng Sản, ở Việt Nam chưa có nhà xuất bản nào có thể xây dựng, tập hợp, tích hợp được kho dữ liệu số thực sự lớn. Mỗi đơn vị xuất bản hiện nay chỉ mới số hóa được một phần nhỏ nguồn tài nguyên nội dung họ đang có. Còn rất nhiều cuốn sách chưa được số hóa, chưa được sắp xếp vào các kho dữ liệu. Chưa có sự trao đổi, tích hợp nguồn tài nguyên giữa các nhà xuất bản với nhau, giữa các nhà xuất bản với đơn vị giáo dục và đào tạo, các viện nghiên cứu chuyên ngành (để tạo kho dữ liệu học thuật số), hoặc giữa xuất bản với báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình... 

Chính vì vậy, hiện nay tài nguyên nội dung của xuất bản nước ta vẫn còn phân tán, mức độ tập trung thấp, chưa được đưa vào dữ liệu chung để cùng khai thác, sử dụng, chưa tích hợp để hình thành lượng thông tin khổng lồ nên đã hạn chế quá trình chuyển đổi từ xuất bản truyền thống sang xuất bản kỹ thuật số. Vì thế chưa thể đem lại lợi nhuận cao cho các nhà xuất bản và chưa phục vụ đắc lực cho nhu cầu tìm kiếm, tiếp cận hệ thống dữ liệu nội dung cho người dùng. 

Nhiều sách về chuyển đổi số đã được xuất bản.

Chuyển đổi số, chuyển đổi tư duy

Ông Vũ Trọng Đại - Tổng Giám đốc Alpha Books cho rằng, thách thức đầu tiên của xuất bản khi chuyển đổi số chính là tư duy: “Chúng ta đơn giản nghĩ rằng chuyển đổi số là chuyển định dạng từ sách giấy sang e-book, audiobook… Nhưng chúng ta quên rằng để chuyển từ giấy sang các định dạng khác đòi hỏi con người, cách thức, bộ máy, tư duy phải chuyển đổi sang định dạng mới”.

Khó khăn tiếp theo đến từ những khâu trong quá trình chuyển đổi, từ tác quyền, sở hữu trí tuệ đến các vấn đề như hiểu biết công nghệ, kiến thiết mạng lưới cộng tác viên, khách hàng, nền tảng sản xuất, kinh doanh để họ hiểu về chuyển đổi số. Công việc đó không chỉ phụ thuộc vào đơn vị xuất bản mà còn phụ thuộc vào các kết nối của ngành xuất bản như bản quyền, sở hữu trí tuệ, nội dung liên quan đến tác giả, dịch giả, chế bản, độc giả...

Dẫu nhiều khó khăn thách thức nhưng ông Đại tin rằng ở thế hệ trẻ hôm nay - những người đang có tốc độ tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số nhanh nhất nếu họ tiếp cận chuyển đổi số, làm chủ thông tin thì họ mới giải được bài toán thách thức chuyển đổi hiện nay.

Bài 3: Thách thức và giải pháp để chuyển đổi số ngành xuất bản thành công