Nên hay không nên có tình yêu công sở?

Mối tình công sở có thể lãng mạn, nhưng cũng đem lại không ít phiền toái vì liên quan tới lộ trình thăng tiến, hiệu suất công việc và sự chênh lệch quyền lực giữa hai bên.

Có nhiều lý do khiến một người bước vào mối quan hệ yêu đương nơi công sở. Một số nghiên cứu cho thấy con người có xu hướng bị thu hút bởi những ai có cùng đặc điểm tính cách, xuất thân, hệ giá trị và tư tưởng.

Ngoài ra, họ cũng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng tiếp xúc đơn thuần (mere exposure effect) - sự gần gũi và quen thuộc trong thời gian dài.

Một cuộc khảo sát do YouGov thực hiện năm 2020 cho thấy 18% người Anh gặp được người yêu hiện tại hoặc gần nhất ở nơi làm việc.

Vậy nên, nếu bạn đang nghĩ đến việc bắt đầu mối quan hệ tình cảm với đồng nghiệp, hoặc thậm chí là sếp của mình, dưới đây là một số điều cần cân nhắc, theo The Conversation. Lộ trình thăng tiến

Những mối tình công sở vẫn còn bị nhiều người phản đối, đặc biệt sau phong trào #MeToo. Vì vậy, khi quyết định yêu người cùng công ty, đặc biệt nếu một trong hai có vị trí làm việc cao hơn so với đối phương, bạn cần xem xét kỹ lưỡng.

Người ở vị trí thấp hơn đôi khi sẽ phải đối mặt với những lời đàm tiếu và một số trở ngại nhất định trong sự nghiệp vì mối quan hệ tình cảm này.

Mặc dù nhiều người cho rằng việc yêu sếp của mình sẽ phần nào giúp thăng tiến trong sự nghiệp, nhưng trên thực tế có thể ngược lại.

Một nghiên cứu năm 2016 của Đại học New South Wales (Australia) chỉ ra rằng những người có chức danh thấp hơn trong mối quan hệ ít có khả năng được thăng chức hoặc được đề bạt những cơ hội đào tạo so với đồng nghiệp độc thân khác. Hiệu suất công việc

Tình yêu công sở được cho là có ảnh hưởng không tốt đến việc kinh doanh và năng suất làm việc.

Nhiều nghiên cứu cho thấy cảm giác đam mê trong tình yêu, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của mối quan hệ, có thể tác động tiêu cực đến hiệu suất lao động. Bởi lẽ khi đó, tâm trí của hai người thường chỉ nghĩ về nửa kia và không tập trung vào nhiệm vụ.

Điều này đặc biệt sẽ gây trở ngại khi hai người phải làm việc cùng nhau trong bộ phận, phòng ban. Để tránh sự phân tâm, bạn cần hạn chế các giao tiếp không liên quan đến công việc, tránh đụng chạm cơ thể như hôn hoặc nắm tay.

 Nếu bạn đang hẹn hò, hãy hạn chế tiếp xúc cơ thể tại nơi làm việc. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. Nếu bạn đang hẹn hò, hãy hạn chế tiếp xúc cơ thể tại nơi làm việc. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels

Chuyện gì sẽ xảy ra khi chia tay?

Không ai biết được khi nào tình yêu công sở kết thúc, nhưng tốt hơn hết bạn vẫn nên chuẩn bị sẵn sàng.

Việc chia tay có thể khiến hiệu suất làm việc giảm và sức khỏe tinh thần của bạn bị ảnh hưởng, đặc biệt trong trường hợp bạn phải giáp mặt với người yêu cũ thường xuyên tại chỗ làm.

Vì vậy, nếu được phép, hãy yêu cầu được chuyển sang nhóm khác hoặc làm việc từ xa cho đến khi mọi thứ lắng xuống.

Bên cạnh đó, công ty có thể cung cấp dịch vụ tư vấn tại nơi làm việc hoặc các chương trình hỗ trợ nhân viên trải qua thời kỳ khó khăn như trầm cảm, đau buồn hay hậu chia tay. Công ty nên có quy định

Dù muốn hay không, việc nảy sinh tình cảm và hẹn hò chốn công sở là điều hoàn toàn tự nhiên. Việc nhiều công ty ngăn cấm các mối quan hệ này không phải là giải pháp hiệu quả, thậm chí còn dẫn đến các mối quan hệ ngầm ngoài tầm kiểm soát.

Một số công ty tại Mỹ quản lý các mối quan hệ tình cảm bằng cách triển khai "hợp đồng tình yêu". Đây là các quy tắc và chính sách bằng văn bản xác nhận mối quan hệ là tự nguyện và có sự đồng thuận từ cả hai phía.

Giải pháp này không chỉ giúp bảo vệ các đôi yêu nhau mà còn để tránh tình trạng nhân viên kiện cấp trên của mình về tội quấy rối trong trường hợp hai người chia tay.

Ngoài ra, họ cũng có các chính sách và các khóa đào tạo về giải quyết quấy rối tình dục, phân biệt đối xử hay sức khỏe tâm thần, điều này cũng cần thiết cho việc hẹn hò chốn công sở.

Công ty có thể đưa ra những chính sách và hướng dẫn cụ thể về việc công khai tình cảm, đặc biệt là các mối quan hệ có một người làm sếp.

Theo Zing