Mối nguy đe doạ những người giải cứu nạn nhân buôn người ở Campuchia
Kỳ 1: Bên trong 'sào huyệt' của những kẻ buôn người ở Campuchia
Chen đã giúp hơn 300 nạn nhân thoát khỏi “chế độ nô lệ qua mạng” kể từ năm 2020. Nhưng hồi tháng 2, anh bị cảnh sát Campuchia bắt giữ và buộc tội kích động phân biệt đối xử, khai báo gian dối.
Các cáo buộc bắt nguồn từ việc anh giải cứu một người đàn ông Trung Quốc tên Li Yayuanlun. Ban đầu, Li khai rằng anh ta đã bị bán đến Sihanoukville và buộc phải làm việc cho những kẻ lừa đảo. Đồng thời, họ đã lấy máu và bán máu của anh ta.
Hồi tháng 2, Zhu Minxue, bác sĩ trưởng khoa ở Bệnh viện Bethune Campuchia China First ở Phnom Penh, cũng là bác sĩ điều trị cho Li, nói với Sixth Tone rằng, người đàn ông này bị “thiếu máu” khi nhập viện. Nhưng cảnh sát sau đó lại xác định người đàn ông đã bịa đặt về trải nghiệm "nô lệ máu" để che đậy việc nhập cảnh trái phép vào Campuchia. Được biết, các nhà chức trách Campuchia cho rằng câu chuyện của Li đã làm tổn hại đến danh tiếng của đất nước.
Vì thế, Chen đang bị giam ở Sihanoukville, chờ một phiên tòa có thể khiến anh phải ngồi tù tới 3 năm.
Một bác sĩ điều trị cho Li - không phải Zhu - và một tình nguyện viên khác giúp chăm sóc Li cũng bị buộc tội. Bản thân Li, người vẫn đang bị bệnh nặng, được cho là đã bị trục xuất về Trung Quốc vào cuối tháng 6, cùng thời điểm Đại sứ quán Trung Quốc một lần nữa tuyên bố sẽ tăng cường nỗ lực chống cờ bạc trực tuyến và lừa đảo.
Hồi tháng 3, một nhóm gồm 35 người Campuchia và các nhóm xã hội dân sự quốc tế đã đưa ra một tuyên bố chung, kêu gọi các nhà chức trách Campuchia khẩn trương giải quyết “các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” bên trong các “khu nhà nô lệ” và “điều tra đầy đủ việc lạm dụng các nạn nhân bên trong đó”.
Cùng tháng đó, GASO - một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ - đã gửi đi một bức thư ngỏ, kêu gọi trả tự do cho Chen. Người sáng lập GASO - có biệt danh Xellos - chia sẻ rằng, với các nạn nhân người Malaysia và Thái Lan - những người thường nhập cảnh vào Campuchia một cách hợp pháp, họ có thể về nước một cách dễ dàng hơn, bởi vì chỉ cần thông báo cho đại sứ quán của họ là đủ.
Nhưng người Trung Quốc là khó giải cứu nhất vì họ thường bị đưa vào Campuchia bất hợp pháp. Thông thường, đại sứ quán Trung Quốc sẽ yêu cầu các nạn nhân báo cáo vụ việc cho cảnh sát địa phương trước. Xellos nói rằng họ đã làm như thế với một số trường hợp nhưng trước khi cảnh sát lật tẩy những kẻ lừa đảo thì chúng đã nhanh chóng bán nạn nhân cho một băng nhóm khác.
Cho đến nay, GASO đã giải cứu được khoảng 20 nạn nhân trong tổng số hơn 50 người cầu cứu. Bà nhận xét, có rất nhiều yếu tố liên quan đến việc giải cứu một người thành công. Việc xoay xở để thoát ra được "là tùy thuộc vào may mắn của mỗi cá nhân”.
Toàn bộ cộng đồng tình nguyện giải cứu các nạn nhân buôn người - từ Trung Quốc hay các quốc gia khác - đã sửng sốt trước vụ bắt giữ Chen. Bà Xellos nói: “Bây giờ ai cũng sợ hãi. Mọi người lo lắng rằng nếu chúng tôi tiếp tục công việc giải cứu của mình, một ngày nào đó chúng tôi có thể bị bắt mà không có lý do”.
Sau khi Chen bị bắt, WeChat đã xóa tài khoản công khai của nhóm tình nguyện mà họ đã sử dụng để nâng cao nhận thức và tiếp cận nạn nhân. Theo Lu Xiangri, người đàn ông 32 tuổi, cũng là người kế thừa vai trò của Chen, Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc ở Campuchia cũng đã giải tán.
Lu gần đây đã ra khỏi Phnom Penh vì anh thường xuyên bị đe dọa. Anh nói rằng sẽ tiếp tục thực hiện công việc giải cứu từ xa. Dù sao thì việc tự đi tới các khu nô lệ cũng trở nên quá nguy hiểm.
GASO đã tuyển dụng Lu vào tổ chức để tiếp tục công việc của mình. Họ đang hợp tác để đệ trình thêm bằng chứng gửi tới cảnh sát Trung Quốc và chính phủ Hoa Kỳ vì tội ác liên quan đến các nạn nhân trên khắp thế giới.
Lu cũng từng là một nạn nhân. Ban đầu, anh đến Campuchia vào năm 2020 để kinh doanh món tráng miệng là trái cây hỗn hợp. Sau khi đại dịch khiến cửa hàng của anh đóng cửa, việc tìm kiếm việc làm đã đưa anh vào một cái bẫy. Anh bị ép đi lừa người khác. Cuối cùng, anh cũng thoát được ra ngoài sau khi kêu gọi sự giúp đỡ trên trang Facebook của một chủ tịch tỉnh ở Campuchia. Trải nghiệm ngắn ngủi của anh đã hun đúc quyết tâm chiến đấu vì những nạn nhân khác.
“Tôi nghĩ không có lựa chọn nào khác cho mình” Lu, người quyết định sử dụng tên thật của mình để nâng cao nhận thức của cộng đồng về các băng nhóm lừa đảo, nói.
“Khi có rất nhiều người cần bạn giúp đỡ, và họ đang sắp chết thì làm sao bạn có thể không làm điều gì đó? Chỉ cần có khả năng thì bất kỳ người Trung Quốc nào cũng sẽ làm vậy, phải không?”.
Công việc của nhóm anh đã giúp cảnh sát bắt giữ một số kẻ buôn người và Lu đang bị cho là vật cản của những kẻ vẫn đang hành nghề. Anh hy vọng giới truyền thông chú ý nhiều hơn tới vấn đề này để nhận được nhiều sự ủng hộ hơn nữa.
“Tôi hy vọng ít nhất mình có thể giúp bắt giữ một nhóm lừa đảo,” Lu nói. “Tôi đã mất rất nhiều công sức và nếu tôi chỉ dừng lại ở việc giải cứu các nạn nhân, tôi sẽ không yên lòng với điều đó”.
Theo Sixth Tone