Món ăn này luôn được ưu ái trong thực đơn hè bởi sự giản đơn và "đưa cơm". Người Hà Nội xưa thường gọi là ''đánh dấm sấu'', theo thời gian từ này ít dùng và thay thế là từ ''dầm sấu''. Nước rau muống luộc khi dầm sấu ra chuyển từ xanh sang trong veo, toát ra nét thanh lịch trong thưởng thức ẩm thực của người Hà thành.
2. Sấu ngâm đường
Thức uống này gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ. Ngày ấy, mỗi khi tan trường, các cô cậu học trò ra các quán cóc mua cốc nước sấu đá với vị chua dịu ngọt, mát lành nhanh chóng đánh tan cái oi bức của ngày hè. Và cứ thế tuổi thơ lớn dần lên với vị sấu thơm thảo ấy.
Làm sao quả sấu ngâm giòn róc hạt, ngấm trọn vị đường, nước thơm mùi sấu đặc trưng, thoảng chút the cay từ gừng, dùng hàng tháng vẫn không bị nổi váng cần có bí kíp riêng. Nên chọn sấu bánh tẻ (không non quá hay già quá), màu xanh nhạt, cùi dày, vỏ hơi rám sần, cuống tươi là sấu ngon nhất. Để sấu ngâm đường không bị lên men, nổi váng thì tất cả mọi thứ cần tiệt trùng (sấu chần nhanh, lọ/hũ tráng nước sôi để khô ráo, nước đường phải nấu để nguội). Mỗi lần pha, dùng muôi sạch lấy nước và sấu trong bình ra.
3. Canh sườn nấu sấu
Được ví là ''món ăn huyền thoại mùa hè miền Bắc'', canh sườn nấu sấu ăn cơm hay ăn cùng bún đều rất ngon.
Sườn mềm thấm vị và róc xương, nước canh chua dịu từ sấu, dậy mùi thơm từ hành lá mùi tàu khiến ai một lần thưởng thức đều nhớ mãi. Ngoài sườn thì có thể nấu nhanh canh sấu với thịt nạc xay cũng tròn vị. Thêm chút hành lá, mùi tàu tạo nên dư vị đặc trưng món canh miền Bắc.
4. Sấu ngâm mắm
Sấu ngâm mắm càng để lâu càng ngon, vị chua chua từ sấu tiết ra quyện với mắm đậm đà, dậy mùi của tỏi, ớt, chút riềng kích thích vị giác. Cách làm cũng như sấu ngâm đường, quả sấu non hoặc bánh tẻ chần qua nước sôi rồi nấu hỗn hợp mắm đường để nguội cho vào, thêm tỏi, ớt, riềng nén xuống và cứ thế để chấm ăn quanh năm suốt tháng.
Chú ý nên ngâm đậm vị mặn ngọt chút vì khi ngâm, sấu tiết ra vị chua sẽ hài hòa. Để ngâm lâu không bị nổi váng cần khử khuẩn bình đựng, sấu trụng qua nước sôi. Tỏi, ớt, riềng cũng ngâm qua giấm hoặc trụng qua nước mắm lúc đun sôi, vớt ra để nguội.
5. Vịt om sấu
Nếu như ẩm thực miền Trung và Nam Bộ ghi dấu ấn với vịt nấu chao, vịt kho sả, vịt khìa nước dừa, cháo gỏi vịt thì ẩm thực Hà thành lại gây thương nhớ bởi món vịt om sấu.
Vịt tháng 6 vào độ béo tròn bởi vào mùa chạy đồng. Thịt vịt mềm béo đậm đà được cân bằng lại bởi vị chua thanh từ sấu, dậy mùi thơm từ sả như ''bản giao hưởng đẹp'' trong món ngon ngày hè.
Theo VnExpress