Lười vận động khiến bạn phải "trả giá" thế nào?
‘Tôi khỏe đẹp hơn’ và thông điệp thay đổi bản thân, khao khát vận động mỗi ngày
9 lưu ý để giữ làn da khỏe đẹp
Lười vận động khiến sức khỏe và cơ thể bạn phải "trả giá đắt"
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, máy móc và thiết bị tự động đang dần thay thế công việc của con người. Thêm vào đó, cuộc sống của chúng ta bị bủa vây bởi các thiết bị điện tử là điều kiện khiến con người ngày nay ít có điều kiện vận động chân tay hơn thế hệ trước.
Bên cạnh đó, chúng ta còn sống ở thời đại tràn ngập thức ăn nhanh, đồ uống đầy "cám dỗ", cứ ra đường là thấy đồ ăn .... cũng là tiền đề khiến mỗi người dễ dàng hấp thu năng lượng lớn vào cơ thể.
TS.BS Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM cho rằng, văn minh công nghệ phát triển mạnh mẽ thay thế phần lớn công việc chân tay, làm con người gia tăng thời gian sống tĩnh tại. Bên cạnh đó, lối sống ít vận động, gia tăng lao động trí óc còn gây stress oxy hóa. "Các yếu tố trên đã dẫn đến hàng loạt bệnh tật như "đại dịch" thừa cân béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh xương khớp, các rối loạn tâm thần, mất ngủ do stress", TS Nguyễn Thanh Danh nhấn mạnh.
Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Nguyễn Thanh Danh đã dẫn chứng một thí nghiệm từng được tiến hành cho thấy, khi cơ thể nằm bất động kéo dài 1 tuần thì sức khỏe thể chất mất đi 50%.
Thực tế là khi lười vận động không chỉ làm cơ bắp mất đi, cơ thể giảm hấp thu ôxy khiến người lúc nào cũng mệt mỏi, lượng mỡ tích tụ dưới da tăng lên gây tăng cân, cơ thể thường xuyên căng thẳng, khó đi vào giấc ngủ.... Nên bắt đầu tập luyện, vận động từ lứa tuổi nào?
Theo TS.BS Nguyễn Thanh Danh: "Vận động làm tăng cường hoạt động của hệ thần kinh, hệ nội tiết, tiêu hóa và tuần hoàn, kích thích quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể, trong đó quá trình đồng hóa các chất giúp tổng hợp các mô tế bào, tăng lượng máu mang ôxy và các chất dinh dưỡng đến nuôi mô đồng thời thải trừ các chất cặn bã, gây ứ trệ tuần hoàn, giúp cho cơ thể tăng cường sức đề kháng tự nhiên hiệu quả nhất".
Nếu vận động là một hoạt động sống không thể thiếu của con người, giúp tăng cường sức khỏe và sức chịu đựng thì dinh dưỡng là chất liệu tạo nên thể chất của cơ thể. Có thể nói dinh dưỡng và vận động là hai yếu tố hết sức quan trọng đối với việc bảo vệ và duy trì sức khỏe, giúp cho sự tăng trưởng thể chất và phát triển các chức năng trong cơ thể.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, để phát triển toàn diện, bên cạnh dinh dưỡng, trẻ nhỏ cũng cần vận động hợp lý. "Sự phối hợp giữa dinh dưỡng đầy đủ và vận động đúng mức luôn cần thiết ở mọi lứa tuổi. Điều quan trọng là hình thành thói quen càng sớm càng tốt, ngay từ bé để tạo nên một nét văn hóa hữu ích. Có như vậy chúng ta mới bảo vệ và duy trì được sức khỏe, nhất là trong thời đại mà đầu óc bị tri thức và thông tin chế ngự, vận động tự nhiên của cơ thể bị suy giảm trầm trọng bởi công nghệ", TS Danh khuyến cáo.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho rằng, những người đi bộ mỗi ngày có nguy cơ tử vong thấp hơn đáng kể so với những người ít vận động.
Như vậy, việc kết hợp hài hòa giữa dinh dưỡng đầy đủ và vận động thường xuyên có thể được coi là 2 giải pháp tự nhiên quan trọng bậc nhất để phòng chống hiệu quả những căn bệnh thời đại hiện nay như thừa cân béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh xương khớp, các rối loạn tâm thần, mất ngủ do stress.... Hãy bắt đầu càng sớm càng tốt.
Theo Sức khỏe và Đời sống