Hòa vào thiên nhiên để chiêm nghiệm thân phận con người
Trong Thành phố những lục địa bay do Phương Nam Book xuất bản, tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng đan xen hình ảnh và con chữ để kể chuyện. Nếu xem tác phẩm là bản giao hòa giữa thực và ảo thì văn bản như một đại diện cho thế giới hư cấu, hình ảnh là đại diện cho thế giới thực. Việc tường thuật về thành phố theo lối này tạo cho độc giả cảm giác tác phẩm như một bộ phim giả tài liệu.
Với kinh nghiệm làm báo lâu năm, Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng không chỉ văn phong sáng tác mà còn lồng ghép văn phong báo chí trong Thành phố những lục địa bay. Ở nhiều phân đoạn, nhà văn lựa chọn lối viết ngắn gọn, đơn thuần tả lại sự kiện, gợi nhớ đến phong cách điểm tin của báo chí nhưng mang đến cho độc giả sự mơ hồ, hoài nghi.
Cuốn sách chia làm 3 phần chính được đánh số La Mã và không đặt tiêu đề. Ba phần này đóng vai trò tương tự cấu trúc 3 hồi trong điện ảnh, cách trình bày cũng gợi nhớ đến thể loại tiểu thuyết. Ở mỗi phần đều có nhiều truyện ngắn, được ví như những mảnh vụn rơi ra từ lục địa ký ức; cũng có thể hiểu nó là những trường đoạn hay phân cảnh trong một hồi của cấu trúc kể chuyện.
Trong Thành phố những lục địa bay, thiên nhiên và con người vừa là đối tượng vừa là chủ thể. Con người hiểu chính mình thông qua việc hòa vào thiên nhiên; đồng thời, thiên nhiên cũng như một chủ thể có cảm xúc, thầm lặng quan sát tâm tư của con người và tái hiện những ghi nhận đó bằng dáng vẻ bên ngoài thông qua cây cối, gió sương, hồ mây…
Không chỉ là nơi con người sinh ra và trở về sau cái chết, thiên nhiên vẫn luôn song hành cùng con người trong cuộc sống. Thiên nhiên thu hết tâm tư của con người vào lòng, không phán xét, không gạn lọc, không chối bỏ như tình yêu của tác giả dành cho Đà Lạt được thể hiện tỏ tường trong Thành phố những lục địa bay.
Kim Ngân