Hiểu hơn về nghệ thuật và văn hoá thưởng trà qua Trà kinh và Trà thư
Thái Hà Books vừa cho ra mắt 2 ấn phẩm đặc biệt: Trà kinh và Trà thư. Với hai ấn phẩm, bạn đọc sẽ biết được 5 điều: Chuyện trà và văn hoá thưởng trà của người Trung Quốc; Nghệ thuật Trà đạo và Trà thất Nhật Bản; Chén trà trong nhân gian; Các trường phái trà; Mối liên hệ giữa Thiền và Trà.
Tác phẩm Trà kinh của Lục Vũ là công trình chuyên khảo về trà đầu tiên của nhân loại. Chỉ trong vỏn vẹn 7.000 chữ, Lục Vũ đã hệ thống toàn bộ kho tàng tri thức về cây trà lẫn về văn hóa thưởng trà của Trung Quốc, tạo nên một sức ảnh hưởng to lớn và bền bỉ cho đến tận ngày nay.
Trà kinh gồm ba cuốn và 10 chương. Chương đầu tiên, Lục Vũ bàn về tính chất tự nhiên của cây trà. Chương hai nói về các dụng cụ thu hoạch lá trà. Chương ba bàn về việc lựa chọn lá trà.
Chương bốn dành để liệt kê và miêu tả bộ đồ trà gồm hai mươi tư trà cụ, bắt đầu từ chiếc lò ba chân và kết thúc là chiếc tủ tre để cất tất cả các dụng cụ này. Trong chương năm, Lục Vũ miêu tả cách pha trà. Ông loại bỏ tất cả các thành phần ngoại trừ muối. Ông cũng chú trọng đến vấn đề nhiều tranh cãi là việc chọn loại nước và độ sôi của nước.
Những chương còn lại trong Trà Kinh bàn về sự thô tục trong cách uống trà thông thường, một bản tóm tắt lịch sử của những người thưởng trà nổi tiếng, những vườn trồng Trà nổi danh của Trung Quốc, sự đa dạng của Trà cụ và các hình vẽ minh họa chúng.
Lục Vũ đã nhìn thấy trong trà một sự hòa hợp cũng như tính trật tự ngự trị tất thảy mọi vật.
Trà thư là cuốn sách nổi tiếng nhất về trà của thế kỷ 20 của tác giả người Nhật Okakura Kakuzokhiến “cả thế giới” phải quan tâm.
Trà thư được Okakura Kakuzo viết bằng tiếng Anh. Cuốn sách như một lời phản biện hùng hồn đồng thời là chiếc cầu nối hai nền văn hóa Á và Âu. Kakuzo Okakura giải thích rằng bắt đầu từ thế kỷ 15, người Nhật đã biến loại đồ uống lâu đời của Trung Quốc, thành một nghệ thuật - Trà đạo.
Đó là một nghệ thuật đơn giản, thuần khiết và hòa bình mà tất cả mọi người đều có thể tham gia, dù ở bất cứ vị trí nào trong cuộc sống. Đó là một con đường dẫn đến sự hoàn hảo trong một thế giới không hoàn hảo.
Với sự hài hước xen lẫn châm biếm nhẹ nhàng, Okakura thảo luận về những quan niệm sai lầm ngớ ngẩn mà người phương Tây và phương Đông dành cho nhau. Ông cho rằng bất chấp những hiểu lầm và định kiến tồn tại giữa hai nền văn minh, phương Đông ít nhất cũng sẵn sàng học hỏi từ phương Tây. Ông hỏi: Khi nào thì phương Tây cố gắng hiểu phương Đông?
Okakura tìm thấy hy vọng về sự hiểu biết lẫn nhau trên toàn cầu trong trà. Trà là chén của nhân gian. Người dân Châu Âu và Châu Mỹ cũng yêu thích trà như người Nhật.