Hành trình từ ô sin đến người có doanh thu tiền tỉ của 8X Quảng Nam
Trong cái nắng gay gắt ở Đà Nẵng, chị Dung đang chuẩn bị cho mẻ nhàu tiếp theo để chế biến. Đôi tay chị thoăn thoắt cắt đôi từng quả. Chị mặc trên người bộ áo quần màu xanh, đầu đội mũ y tế.
Vươn lên từ nghèo khó
Sinh ra và lớn lên tại xã Tiên Ngọc (Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), chị Nguyễn Thị Dung (34 tuổi) đang là tấm gương sáng cho giới trẻ về sự cố gắng, vượt qua khó khăn.
Chị kể: “Năm 2006, tôi thi trượt đại học lần đầu. Thấy ba mẹ ở quê khó khăn, không muốn ôn thi tiếp làm gánh nặng cho ba mẹ, tôi nhờ mẹ mượn hàng xóm 300 nghìn và lần đầu mang balo đi xa. Sau đó tôi làm giúp việc cho một gia đình tại Vũng Tàu.
Trong 2 năm làm ô sin tôi được ông bà chủ tạo điều kiện cho tham gia học lớp trung cấp chuyên nghiệp kế toán vào buổi tối”.
Mong mỏi được làm việc gần tỉnh nhà, năm 2009, chị về TP Đà Nẵng làm kế toán cho một công ty may và làm quen với cách bán hàng tại đây. Làm được một thời gian, chị Dung bén duyên với chồng mình. Hai người cưới nhau sau đó 1 năm.
Chị tiếp tục xin làm kế toán trong một công ty thiết kế website, chị cũng xin sếp của mình làm thêm sale để kiếm thêm thu nhập. Ở đây, chị học được thêm cách quảng cáo trên Google, Facebook…
Khởi nghiệp bằng 1,5 triệu đồng
Năm 2013, chị Dung đón nhận tin vui khi mang thai: “Vì ốm nghén nên tôi ở nhà để dưỡng thai, ông xã sửa máy in, bốc vác để nuôi vợ.
Đầu 2014, tôi sinh con trai đầu lòng. Giai đoạn này cuộc sống rất khó khăn nên tôi bắt đầu tập tành làm quen với công việc kinh doanh online. Tôi nhập các mặt hàng dầu dừa, xà bông để bán với số vốn vỏn vẹn 1,5 triệu đồng. Hàng nhập về tôi trưng bày trong chiếc tủ kính cũ xin của cô chủ trọ”, chị Dung bồi hồi nhớ lại.
Chị tiếp lời: “Thời gian đó tôi cũng không có cái bàn để làm việc, ông xã lấy băng keo quấn chiếc ghế gãy chủ trọ để lại để làm bàn, chiếc ghế thấp hơn để làm ghế”, chị cười kể.
Sự cố gắng của chị đã được đền đáp khi vào năm 2015, một cửa hàng tại sân bay đã ký hợp đồng với chị về các sản phẩm son, dầu dừa làm bằng tay để bán cho du khách.
Năm 2016, chị thuê một kiot nhỏ 4m2 trên đường Nguyễn Thái Học để bán đèn, tinh dầu, xà bông… Tại đây, nhiều khách Hàn Quốc ghé qua kiot quan tâm nhiều đến quả nhàu, từ đó chị làm quen dần với loại dược liệu này.
“Tìm hiểu mới thấy quả này có nhiều công dụng như hỗ trợ về xương khớp, dạ dày… nhưng ít người tiếp cận, tôi quyết định thay đổi hướng đi”, chị Dung bộc bạch.
Lúc đó vào khoảng năm 2017, chị nhập từ Hàn Quốc về để bán vì chưa đủ điều kiện để tự sản xuất. Thấy mặt hàng này tự nhiên, được nhiều người ưa chuộng, chị quyết tâm nhập quả nhàu khô miền Tây về tự sản xuất các mặt hàng thực phẩm như bột, trà, viên… Đồng thời chị cũng tự trồng và liên kết với hộ dân ở Đại Lộc (Quảng Nam) để trồng thêm cây nhàu.
Doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm
Sau thời gian sản xuất các mặt hàng thực phẩm từ quả nhàu, chị Dung tiếp tục tìm tòi và sản xuất mỹ phẩm từ quả nhàu như: nước xịt khoáng, mặt nạ, kem dưỡng, dầu gội đầu…
“Một số quả nhàu tươi để nấu chiết xuất, một số ủ enzim lấy nước lên men làm mặt nạ, tinh chất dưỡng da mụn, một số được sấy khô để kết hợp với các loại dược liệu địa phương khác để nấu dầu gội đầu, vệ sinh nam, nữ…”, chị Dung giải thích.
Mỗi sản phẩm có giá trị khác nhau, dao động từ 135.000-250.000 đồng. Doanh thu của chị hàng năm ước đạt 4 tỉ đồng, lợi nhuận hàng năm 400 triệu.
Hiện chị có thêm 11 người làm cùng, mức lương trung bình 7 - 8 triệu mỗi người.
Cùng với việc phát triển cây nhàu, chị đã nghiên cứu và tạo ra nhiều sản phẩm chăm sóc cá nhân từ các loại dược liệu như tía tô, ngải cứu, đinh lăng, bạc hà…
Chị Dung còn đang cùng một nhóm bạn nuôi dưỡng, bảo trợ cho hơn 100 em mồ côi bố mẹ trong các đợt bão lũ hoặc bệnh tật, tai nạn cho đến khi trưởng thành. Mỗi tháng, mỗi bạn sẽ nhận được 1,5-1,8 triệu đến năm 18 tuổi. Chị Dung nhận làm mẹ nuôi cho 6 trẻ ở quê chị.
Nhắc đến tương lai, chị Dung mong muốn đóng góp nhiều vào quỹ để mỗi ngày nuôi dưỡng thêm nhiều hơn những em bé mồ côi được ăn học đến khi trưởng thành.
Chị tiếp lời: “Ước muốn tiếp theo sẽ người dân địa phương tạo được công ăn việc làm, sinh kế bền vững cho người nông dân”, chị tâm sự.
Công Sáng