Đường về ám ảnh nữ giảng viên và tình người giữa cơn mưa lớn ở Đà Nẵng

Trong lúc chị Thi hoảng sợ bởi cơn mưa xối xả, bốn bề nước ngập thì nhiều người đã dang tay giúp đỡ chị.

Tình người trong hoạn nạn

Hơn 4 ngày sau trận mưa dị thường trút xuống TP Đà Nẵng, chị Phương Thi (36 tuổi, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang giảng dạy tại một trường đại học vẫn bị ám ảnh khi nghe tiếng mưa.

Thực sự, nhiều năm sống tại mảnh đất miền Trung, chị Thi từng chứng kiến Đà Nẵng nhiều lần ngập lụt. Thế nhưng, chị chưa bao giờ gặp trường hợp dị thường như cơn mưa chiều 14/10.

“Mưa xối xả, nước dâng lên cao và nhanh khiến mọi người bị bất ngờ. Chúng tôi cứ nghĩ mưa như bình thường nên không đề phòng. Vì vậy, thiệt hại lần này quá lớn”, chị Thi chia sẻ.

Nhiều người xuống xe dắt bộ giống như chị Phương Thi.

Giữa muôn vàn khó khăn và hoảng loạn, người dân Đà Nẵng vẫn đoàn kết, giúp đỡ nhau. Chị Thi là một trong nhiều người được sưởi ấm bằng tình người khi đối diện với thiên tai.

Nữ giảng viên kể khoảng 17h30 ngày 14/10, chị xong việc ở trường và lấy xe máy để về nhà. 

Trước đó, từ lúc 15h cùng ngày, Đà Nẵng có mưa nhỏ. Nhưng khi chị Thi về, mưa bắt đầu xối xả. Chị điều khiển xe rẽ vào nhiều tuyến đường nhưng tất cả đều bị ngập nặng.

Bất lực, hoang mang, chị Thi đành tấp xe vào mái hiên trên đường với hy vọng mưa tạnh, nước rút thì chạy về.

Chờ mãi, mưa vẫn như trút nước, không có dấu hiệu suy giảm. Thế nên, chị Thi quyết định đi về liều một phen.

Hễ gặp đường ngập, chị Thi lại rẽ tìm đường khác. Đến tuyến đường Nguyễn Hoàng khô ráo, chị rẽ vào thì gặp tắc đường. Lúc đó, giao thông rất hỗn loạn, đường nhỏ nhưng ô tô xe máy rất đông nên kẹt cả đoạn dài. 

Một số người dân sống hai bên đường đã mặc áo mưa ra hỗ trợ điều tiết giao thông, giúp các xe đi đúng làn đường. Nhờ vậy, nữ giảng viên thoát ra khỏi tuyến đường bị kẹt xe. Trước khi tăng ga, chị ngoái lại cảm ơn một anh trong nhóm điều tiết.

Sau khi rời khỏi đường Nguyễn Hoàng, chị Thi rẽ vào đường Nguyễn Văn Linh. Đoạn đầu đường khá ít nước nhưng đi một lát thì nước ngập sâu, xe của chị bị tắt máy. Lúc đó, chị đành dắt bộ, cố gắng đẩy xe qua vùng ngập.

Nữ giảng viên nhớ: “Lúc đó, một anh công nhân môi trường nói với theo là “em tắt máy xe đi, tắt chìa khóa không nước vào hỏng xe”. Tôi làm theo rồi tiếp tục dắt, nhưng sức yếu nên rất khó khăn khi dắt xe ra khỏi làn nước. Bỗng, một chị mặc áo mưa vàng ra đẩy xe giúp tôi. Chị phụ tôi đẩy xe lên lề và dắt vào một cơ quan gần đó. Sau đó, chị tiếp tục ra giúp người khác”.

Đợi ở chỗ này một lúc, chị Thi đành liên hệ người nhà đến chở về. Thế nhưng, người thân thông báo tuyến đường từ nhà ra cũng bị nước ngập sâu.

Chị quyết định nói chồng ở nhà lo cho con, còn mình sẽ tìm chỗ trú tạm. Chị được một người đàn ông và một số sinh viên hỗ trợ dắt xe vào gửi ở trụ sở công ty điện lực.

Nữ giảng viên bước vào một quán cơm, nơi đây cũng ngập nước.

Tiếp đó, nữ giảng viên lội bộ tìm quán ăn. Trên đường, chị được người tốt nhắc phía trước có nắp cống gồ lên, cẩn thận kẻo ngã.

Chị Thi không dám đi nhanh, chỉ biết dò từng bước để không bị hụt chân xuống cống. Tìm được quán cơm, chị bước vào thì thấy cảnh nước lênh láng trong quán. Nước trên trần nhà cũng xối xuống ầm ào.

Thấy quán không còn an toàn, nước dâng mỗi lúc thêm cao, chị Thi đành đi tìm nhà nghỉ để qua đêm. Trước khi chị rời đi, chủ quán còn cẩn thận đưa cho chị Thi một túi nilong để bọc laptop, tài liệu dạy học…

Trong lúc chị Thi loay hoay xin trả tiền cơm bằng cách chuyển khoản, một người đàn ông lớn tuổi đề nghị trả giúp. Thế nhưng, chị cảm ơn và từ chối.

“Tôi lội ra hướng Nguyễn Tri Phương để tìm nhà nghỉ nhưng càng đi thì nước càng sâu. Đi một đoạn, nước lên đến bụng. Tôi đành quay lại. 

Chủ tiệm cơm thấy tôi quay lại thì hướng dẫn mình sang đường Phạm Văn Nghị tìm nhà nhỉ. Lúc đó, nhiều nơi đã cúp điện tối thui, tôi mò mẫm đi qua hướng cô chỉ nhưng 2 nhà nghỉ đều hết phòng. Nước chỗ đó cạn nhưng hơi xiết nên tôi quyết định ghé vào trú tạm tại Bệnh viện Hoàn Mỹ”, nữ giảng viên kể.

Trắng đêm lo cho mọi người

Bước vào sảnh chờ của bệnh viện, chị Thi ngồi nghỉ ở băng ghế và định bụng tối nay sẽ phải nằm ngủ ở đó.

Thấy chị, nhân viên và bác sĩ của bệnh viện đến hỏi thăm, chỉ chỗ ngủ có quạt cho đỡ muỗi.

Trong suốt quãng đường loay hoay vượt nước ngập, người thân liên tục nhắn tin, hỏi han tình hình của chị Thi. Thế nên, chị liên tục cập nhật ảnh, thông báo bình an đến mọi người.

Biết chị Thi bị kẹt lại ở bệnh viện, nữ đồng nghiệp đề nghị chị đến nhà mẹ của người này để trú tạm.

Thế nhưng, toàn thân vừa ướt vừa lạnh, chân lại bị chuột rút mà nước cứ dâng cao nên chị Thi từ chối.

Không ngờ, nửa tiếng sau, nước hết chảy xiết, nữ đồng nghiệp này đã nhờ em trai của mình chạy xe máy ra chở chị Thi về nhà.

Vừa mệt vừa lạnh, chị Thi chuẩn bị tinh thần ngủ tạm ở ghế bệnh viện.

Về đến đó, nữ giảng viên được người lạ cho mượn quần áo để thay, bắt ăn cơm, sắp xếp chỗ ngủ.

Dù nằm chăn êm nệm ấm nhưng đêm đó, chị Thi không tài nào chợp mắt. Chị lướt mạng xã hội thấy mọi người kêu cứu khắp nơi nên rất bất an.

“Thứ nhất, tôi lo lắng cho người nhà, lúc đó ở nhà mình đã cúp điện. Tôi liên lạc với người thân chỉ qua tin nhắn điện thoại. Thế nhưng, tin nhắn qua lại đến rất chậm, làm mình càng thêm lo.

Thứ hai, tôi nằm xem được các bài đăng từ mọi người khắp nơi kêu cứu. Nhiều nơi nước lên tới cổ, có nơi 2m, nhiều người phải trèo lên nóc tủ chờ cứu hộ. Tôi càng lo lắng thêm. 

Lúc đó, mưa vẫn rất nhiều. Tôi nằm trên phòng lợp mái tôn nên nghe tiếng mưa rất rõ. Nghe mưa nhỏ thì mừng nhưng hễ mưa lớn lên thì lại lo, không biết mai có về được nhà”, chị Thi chia sẻ.

Nữ giảng viên chia sẻ những hình ảnh chụp vội và câu chuyện ấm lòng trên đường trở về nhà giữa cơn mưa lớn.

Ngay khi trời sáng, chị Thi nhờ người nhà đến chở về. Trên đường về, chị thấy nhiều chỗ vẫn còn ngập, khắp nơi bùn đất bám đầy. 

Một số cửa nhà bị áp lực nước đẩy xiêu vẹo. Ô tô và xe máy chết máy giữa đường. Các tiệm sửa xe chật kín xe máy hư hỏng chờ sửa.

May mắn, nhà của chị Thi ở khu vực cao nên không bị thiệt hại đáng kể. Sau ngập lụt, người dân trong khu phố cùng tổ chức dọn dẹp vệ sinh, giúp nhau đưa mọi thứ ổn định trở lại.

Nữ giảng viên cho biết: “Người Đà Nẵng cũng quen với bão lũ nên rất lạc quan. Quan trọng là mọi người luôn yêu thương và hỗ trợ nhau tận tình giữa lúc nguy cấp”.

Ảnh: NVCC