Điều quý giá của nữ nhà báo sau 99 ngày xuyên Việt

“99 ngày xuyên Việt cùng Mai” là chuyến đi một mình bằng xe ô tô của nhà báo, đạo diễn Bông Mai.

Đây là chuyến phượt rất khác so với hầu hết hành trình xuyên Việt mà mọi người từng đi. Hành trình ấy không dọc theo chiều dài đất nước mà dọc theo dân tộc anh em, chạm vào chiều sâu văn hóa của từng dân tộc, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Hành trang cho chuyến đi của nữ nhà báo là những thiết bị tác nghiệp như dụng cụ ghi hình, ghi âm, máy ảnh,… Sau những ngày tháng lái xe rong ruổi trên các nẻo đường từ bằng phẳng đến gập ghềnh, nhà báo - đạo diễn Bông Mai đã một mình gặp gỡ những cuộc sống rất khác với đô thị thân thuộc.

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai

Từ chuyến đi, chị thu thập tư liệu quý giá về văn hóa, đời sống, con người và đặc biệt là nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc qua trang phục và những câu chuyện đầy cảm hứng.

Cuộc hành trình của nhà báo diễn ra trong 99 ngày, được đông đảo bạn đọc và người hâm mộ “ca sĩ Bông Mai” theo dõi. Những câu chuyện mà chị đi và gặp, kể lại trên cuộc hành trình đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng nghìn độc giả. Những tư liệu quý giá về nền văn hóa dân tộc bản địa mà chị “mang về” đã góp phần vào việc khôi phục, bảo tồn văn hóa dân tộc, đặc biệt là những nét văn hóa truyền thống đang dần bị mai một ở những vùng sâu, vùng xa.

Hành trình qua miền Tây Bắc, chị gặp những người phụ nữ dân tộc Bố Y, Dao, La Hù, Si La, Thu Lao, Pa Di,… Đi qua vùng Đông Bắc, chị có những câu chuyện đầy cảm hứng với những người dân tộc Cơ Lao, La Chi, Sán Chỉ, Tày, Mông,…

Qua Tây Nguyên chị đến với nét đẹp của người Ê Đê, HRê, Cơ Ho, Gia Rai... Rồi người Chăm ở Nam Trung Bộ hay người Thổ ở Bắc Trung Bộ,… đều là những “cuộc gặp” không hẹn trước nhưng tràn đầy cảm xúc, kỷ niệm và ý nghĩa.

 Những câu chuyện mà chị đi và gặp, kể lại trên cuộc hành trình đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng nghìn độc giả. 

Với bất cứ dân tộc nào, Bông Mai cũng đều trò chuyện và ghi lại tỉ mỉ bằng nhật ký hoặc bằng những thước phim, bức ảnh chân thực, lột tả sâu sắc nét đặc trưng vùng miền. 

Suốt chuyến hành trình lái xe một mình hơn 10.000 km, Bông Mai dừng chân ở 80 thành phố, thôn, bản, chinh phục 15 đường đèo. Chị "check-in" 4 cực Đông - Tây - Nam - Bắc, ngã ba Đông Dương, mũi Sa Vĩ của đất nước hùng vĩ. Đặc biệt hơn, chị ghi hình được 53 trang phục dân tộc và thu âm được 49 làn điệu. 

Cuộc hành trình của chị không chỉ đơn thuần là một cuộc dạo chơi, khám phá, mà còn là hành trình lan tỏa rực rỡ tới cộng đồng, đánh thức giá trị cá nhân bằng những trải nghiệm thực tế.

“Rong ruổi một mình khắp mọi miền đất nước, tôi tìm thấy những giá trị của bản thân, giá trị mà cuộc sống này ban tặng".

Để chia sẻ thành quả của mình trong cuộc hành trình rực rỡ này, sắp tới đây, đạo diễn Bông Mai sẽ có một cuộc triển lãm văn hóa đặc biệt. Đây cũng là triển lãm mà những người theo dõi hành trình của Bông Mai mong đợi. 

Ngày 11/11 vừa qua Bông Mai đã cho ra bộ lịch mang tên “Dám sống một cuộc đời rực rỡ”. Đó là sản phẩm từ chuyến đi “99 ngày xuyên Việt cùng Mai”.

“Rong ruổi một mình khắp mọi miền đất nước, tôi tìm thấy những giá trị của bản thân, giá trị mà cuộc sống này ban tặng. Bộ lịch là kết tinh từ series 54 bộ trang phục của 35 dân tộc mà tôi đã gặp trong cuộc hành trình ấy qua góc nhìn của một nhà báo về những sắc màu của trang phục dân tộc Việt Nam. Món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta tặng nhau là thời gian. Một bộ lịch có thể thay chúng ta nói với người mình muốn dành tặng về điều đó”, nữ nhà báo cho biết.

Bông Mai cũng chọn ra 12 bộ trang phục của 12 dân tộc để kết hợp cùng đội ngũ trẻ Gen Z, tạo ra một góc nhìn mới cho chính Gen Z về văn hóa dân tộc. Đó cũng là cách để chuyển giao những giá trị cội nguồn cho thế hệ trẻ đầy năng động, sáng tạo và hiện đại.