Để mỗi trang viết hàm dưỡng lòng mình
Không phải tự nhiên mà mỗi lần tới ngày của nghề - 21/6 - ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, những người cầm bút lại chúc nhau - nhắc nhau: giữ bút sắc, lòng trong, tâm sáng. Bởi, đó là chất liệu để làm nghề và để giữ cho người làm nghề có thể đứng vững trước cám dỗ cũng như bình an trong những trang viết của mình.
Thực ra, nghề báo cũng như bao nghề khác, trước tiên đó là công việc mưu sinh, sau đó chính là đóng góp. Người làm báo vẫn hay nói về bạn đọc - "khách hàng" của mình: Nếu không có bạn đọc, tờ báo không thể sống cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khi đó, người viết cũng không biết viết để cho ai đọc. Chính vì vậy, ngày của nghề, người viết vẫn hay dành một khoảng để tri ân bạn đọc, những người đã cùng làm nên tờ báo, thực hiện các sản phẩm mang danh tờ báo.
Nhưng làm sao để có nhiều độc giả? Nếu xem báo chí cũng là một loại hàng hóa, mỗi sản phẩm là thức-ăn-tinh-thần cho người đọc thì người làm báo cần nâng chất sản phẩm của mình cả về hình thức lẫn nội dung. Báo phải đẹp và nội dung phải chuyên chở câu chuyện từ cuộc sống, đa chiều và phản ánh đủ những góc khuất lẫn miền sáng, phản biện được những vấn đề nóng bỏng của con người, dân sinh để cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế chính sách tốt hơn, đồng thời làm tâm hồn con người được khai phóng, có cái nhìn sâu sắc, rộng lượng hơn…
Con người thường tò mò và hay đọc những nội dung giật gân. Chính vì thế, có những trang viết mà người làm nghề đã phải “chạy” theo nhu yếu này. Đó là những trang báo chứa nội dung tiêu cực mà những người trong nghề vẫn chua chát gọi tên là “trang cướp - hiếp - giết”, hoặc nội dung khai thác đời tư nghệ sĩ, người nổi tiếng, tai nạn thương tâm… Thời báo chí đa phương tiện, lượng view luôn là nỗi ám ảnh của người trực tòa soạn; với nhiều phóng viên, nguồn thu dựa trên lượt view cũng làm cho họ đôi khi đánh mất thiện tâm bởi nguồn tin chưa đủ… độ “nóng” để đưa.
Chuyện nhỏ được đồng nghiệp chạy tin thời sự chia sẻ với người viết bài này rằng - có lần anh được báo tin có vụ tai nạn giao thông, khi đến nơi thì tai nạn ấy không quá kinh hoàng vì không có người chết như nguồn tin cung cấp - khi đó, cả nhóm phóng viên nhiều báo “thất vọng” vì tin tai nạn thông thường sẽ không được duyệt đăng. Trong một phút lóe sáng của tâm từ, anh bảo đôi khi vì chạy tin mà mình đã trở nên vô cảm khi nào không hay.
Thực ra, không phải chỉ những ý niệm như vừa kể mới làm mình đánh mất từ tâm trong tác nghiệp mà ngay cả khi viết về một cái xấu, ngòi bút của ta cũng có thể vô cảm nếu không nghĩ về những tác hại của việc mô tả quá chi tiết tội ác, nói quá sâu về nhân thân kẻ thủ ác… Những sợi dây nối về cái xấu với cộng đồng đôi khi ở chỗ chúng ta tạo ra cơn kích động cho cả xã hội khiến họ sân si, chửi bới, “ném đá” đối tượng mình đề cập. Nhất là, trong thời buổi mạng xã hội phát triển hiện nay, mỗi nội dung được đăng báo có thể lan truyền rất nhanh, gạch đá cho những người trong cuộc và cả thân nhân họ sẽ khó mà kiểm soát hết.
Viết đủ để phản ánh và khiến cho người đọc nhận ra đây là người xấu, việc xấu cần tránh để không có thêm nhiều phiên bản như vậy là việc làm của người cầm bút. Và “bút sắc” phải được thể hiện ngay chỗ này chứ không phải ở chỗ công kích để gieo nỗi sân hận trong cộng đồng.
Nhưng để bút sắc trên phương diện khơi gợi được từ tâm nơi lòng người thì phải có lòng trong, tâm sáng. Hai yếu tố này trong nhà Phật thể hiện bằng Từ Bi và Trí Tuệ. Do vậy, ở một khía cạnh nào đó, người cầm bút cũng là người hướng ánh nhìn dư luận, nếu có đủ Bi và Trí sẽ viết được và chọn đăng những nội dung khiến lòng người đọc, nghe, xem mát dịu, như được tiếp thêm nguồn năng lượng tốt lành, an vui.
Báo chí cũng là thức ăn tinh thần, nên mỗi nhà báo, mỗi người cầm bút cũng là một “đầu bếp”. Ai có bút sắc, tâm sáng, lòng trong sẽ chọn lựa các nguyên liệu sạch, chế biến các món ăn ngon và lành. Tất nhiên, để làm được điều đó thì phải đặt mình vào vai một người đọc, chúng ta muốn ăn một món ăn nhẹ bụng, mát mẻ hay ăn thực phẩm nặng bụng, khó tiêu?
Thực ra, khi viết cũng là lúc ta vận năng lượng chế tác ra một sản phẩm từ những con chữ. Có người viết, đọc xong mình nhẹ nhàng như được tưới hoa nhưng cũng có những người khi đọc ta lại thấy lòng rộn lo. Để có những cây bút viết đầy dưỡng chất, vấn đề nuôi dưỡng tâm sáng cho người cầm bút là nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi tòa soạn.
Nghiệp vụ thì có thể học và rèn luyện nhưng lòng trong của người cầm bút là chất liệu từ sự tu dưỡng nội tâm.
Lưu Đình Long