Đại gia Bình Dương đổi ngàn mét đất lấy căn nhà nát để sống lại tuổi thơ
Chốn hoài niệm tuổi thơ
Trở về sau chuyến công tác, ông Hồ Minh Tâm (SN 1964, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) mở cửa căn nhà gỗ lọt thỏm trong vườn cây cảnh xanh mướt. Đây là căn nhà cổ đặc biệt, được ông dành làm nơi thờ tự ông bà, tổ tiên của gia đình.
Xung quanh căn nhà này là hệ thống nhà gỗ có tuổi đời ngoài 1 thế kỷ. Tất cả đều được ông cất công sưu tầm, phục dựng từ những căn nhà gỗ cũ nát trong nhiều năm qua.
Ông Tâm không nhận mình là dân chơi đồ cổ. Tuy nhiên, ông đặc biệt thích và có đam mê mãnh liệt với nhà cổ. Đam mê ấy bắt nguồn từ niềm nhớ nhung, hoài niệm về căn nhà gỗ cũ, nơi ông trải qua phần lớn tuổi thơ.
Ông sinh ra, lớn lên trong nhà căn nhà gỗ. Theo năm tháng, căn nhà ấy không còn. Sau này, khi đã có cơ ngơi, gặp lại những căn nhà gỗ, kỷ niệm tuổi thơ trong ông ùa về. Ông muốn tìm lại cảm giác được sống trong nhà gỗ, được ngửi mùi gạch nung, gỗ cũ...
Ông chia sẻ: “Khi có nhà tường, biệt thự rồi, tôi vẫn nhớ căn nhà gỗ nơi tôi sinh ra. Ở trong nhà tường, biệt thự, tôi lại thèm mùi khói rơm, thích cảm giác sống trong những bức vách bằng ván nhuốm màu thời gian.
Tôi cũng thích ngắm, ôm những cây cột gỗ nhẵn bóng, đặt chân lên nền gạch tàu nâu đỏ, nhìn mái ngói rêu xanh… Tôi muốn được sống trong căn nhà tuổi thơ nên quyết tâm sưu tầm nhà gỗ cổ”.
Ước mơ ấy theo ông suốt nhiều năm. Cho đến một ngày, ông biết tin một số nhà cổ nằm trong khu quy hoạch, gia chủ chuẩn bị dỡ bỏ để chuyển đi nơi khác. Thấy cơ hội đã đến, ông bỏ số tiền lớn mua lại những căn nhà này dù phần lớn nhà đã xuống cấp, mục nát.
Thấy ông vung tiền mua những căn nhà gỗ cũ nát, vợ con không đồng ý. Tuy nhiên, khi biết ông có niềm đam mê tột bậc với nhà cổ, gia đình thông cảm, không còn ngăn cản.
Ông nói: “Sưu tầm nhà cổ tốn kém và cực lắm. Không phải cứ tìm được nhà cổ là có thể dùng tiền mua về rồi dựng lại để ở. Đa số nhà tôi mua về đều đã xuống cấp, kèo, cột mục nát, gạch, ngói vỡ hết cả.
Đôi khi tôi bỏ số tiền lớn mua 2-3 nhà cổ về nhưng chỉ nhặt được từ chúng vài cây cột, ít đòn tay, đôi tấm ván… còn dùng được. Có khi tôi mua chục căn nhà cổ về chỉ dựng lại được 2-3 căn thôi”.
Bán đất rộng, mua nhà nát
Sau khi mua xác nhà cổ, nhặt ra những vật dụng còn sử dụng được, ông Tâm đầu tư một số tiền lớn thuê thợ mộc có tay nghề cao về phục dựng. Ông chú trọng thuê thợ trong vùng, dựng nhà theo đúng kiến trúc nhà gỗ xưa của người Nam Bộ.
Ông thuê thợ với mức tiền công hơn 1 triệu đồng/ngày. Thậm chí, có thợ nhận chạm cột, đòn tay với giá 4-5 triệu đồng/cây.
Các nhà cổ này được ông phục dựng trong khuôn viên rộng hàng ngàn mét vuông của quán ăn gia đình.
Riêng căn nhà gỗ với cột, kèo, bao lơn… chạm khắc hoa văn tinh xảo, nằm giữa khuôn viên quán được ông dùng làm nơi thờ tự của gia đình. Đây là căn nhà ông yêu thích nhất và dành nhiều tâm huyết để phục dựng.
“Hồi làm cái nhà này, tôi tốn nhiều tiền lắm. Tôi phải bán một miếng đất rộng mới mua được nó và đủ tiền thuê thợ dựng lại. Tiền trả cho thợ dựng căn nhà này bằng chi phí xây mới 2-3 căn nhà tường”, ông nói.
Nhà được phục dựng theo đúng kiến trúc ban đầu với nhiều loại gỗ quý. Nhà lợp ngói, lát gạch xưa. Các cột, kèo, đòn tay, bao lơn… đều được ông thuê thợ giỏi chạm khắc họa tiết long phụng, hoa văn tinh xảo, đẹp mắt.
Nội thất bên trong cùng các vật phẩm trang trí như: liễn, hoành phi, câu đối… cũng được chế tác từ gỗ quý, khảm xà cừ và có tuổi đời trên 100 năm. Để tái hiện ký ức tuổi thơ, ông bài trí trong căn nhà này nhiều đồ dùng xưa như: quạt cổ, nồi đồng, cối đá…
Ông chia sẻ: “Sưu tầm, dựng lại nhà cổ đã khó, sống trong nhà cổ còn khó hơn. Không như nhà tường hiện đại, không gian trong nhà cổ tối tăm, thấp, hẹp, thiếu tiện nghi. Ở nhà cổ phải dành nhiều công sức, thời gian chăm sóc, bảo quản.
Ngoài chống mối mọt, ẩm mục thì chỉ cần chuột, mèo chạy qua, làm rớt ngói, tôi cũng phải thuê thợ đến sửa… Do vậy, phải thực sự yêu nhà cổ, không gian sống của nhà cổ lắm mới có thể sưu tầm và ở được”.