Cô gái 5 năm không về thăm quê, dành tiền xây nhà cho bố mẹ

Sau 5 năm làm việc chăm chỉ ở Thụy Điển, Lê Thùy Dương cũng gom góp đủ tiền xây nhà cho bố mẹ.

Những ngày đầu xa quê

Vừa tốt nghiệp đại học, Lê Thùy Dương (28 tuổi, quê Bến Tre) được người yêu đang làm việc ở Thụy Điển cầu hôn.

Anh muốn sau khi kết hôn, Thùy Dương sẽ theo mình ra nước ngoài sinh sống. 

Trước khi quyết định, Dương trò chuyện và hỏi ý kiến của mẹ. Lúc đó, mẹ chỉ hỏi: “Sống xa nhà như vậy có ổn không con?”.

Cô gái Việt Nam theo chồng sang Thụy Điển với mong muốn có điều kiện giúp đỡ gia đình.

Thùy Dương động viên mẹ an tâm. Cô hy vọng chuyến xuất ngoại sẽ tạo ra cơ hội giúp đỡ gia đình.

Sau đám cưới, vợ chồng Thùy Dương sang Thụy Điển, bắt đầu cuộc sống xa xứ. Tại đây, chồng làm đầu bếp, còn Thùy Dương làm nhân viên phục vụ cho nhà hàng.

Ngoài đi làm, Dương còn dành thời gian học thêm về nghề trợ lý y tá. 

Ở Thụy Điển, 90% người dân biết nói tiếng Anh. Thế nên, Dương cũng sử dụng ngôn ngữ này để giao tiếp.

Dù không gặp khó khăn trong giao tiếp nhưng cô cũng gặp phải những rào cản khác như: không biết luật, không có xe ô tô, sống ở miền quê cách thành phố lớn rất xa…

Muốn đi đâu, Dương chỉ có thể đi bộ. Mỗi lần mua đồ dùng trong gia đình, cô phải xách nặng, đi bộ hơn 1km. 

Những lần thèm đồ ăn Việt Nam, Dương phải bắt tàu điện ngầm đi đến một thành phố cách nhà 70km.

Do gia đình chưa có xe nên muốn mua đồ nội thất thì phải trả phí giao hàng rất cao, thậm chí bằng giá trị của món đồ.

Những lúc nhớ nhà, Thùy Dương thường xem lại ảnh chụp chung của gia đình.

Thùy Dương chia sẻ trong chương trình Người kết nối: “Tháng đầu tiên, tôi chưa cảm thấy nhớ nhà. Lúc đó, tôi chỉ thấy chỗ mình sống hơi vắng người nhưng bù lại có phong cảnh đẹp.

Từ tháng thứ hai, tôi ở nhà suốt trong khi chồng đi làm thì lúc này mới bắt đầu nhớ nhà. 

Người dân ở đây không có thiện cảm với người nhập cư. Cho nên, tôi cố gắng bắt chuyện mà họ cứ lơ đi, làm mình càng cảm thấy cô đơn”.

Dành dụm tiền xây nhà cho bố mẹ

5 năm xa quê, Dương chưa một lần về thăm nhà. Nỗi nhớ đong đầy nhưng cô luôn cố kìm nén để tiết kiệm tối đa. Dương muốn có đủ tiền xây nhà cho bố mẹ. 

Vào dịp Tết, cô gọi điện về thì bố mẹ thường khóc. Dương thấy vậy càng cố tỏ ra vui vẻ cho người thân yên tâm.

Thế nhưng, vừa tắt máy, cô gái trẻ nhìn ra bên ngoài cửa sổ, tuyết rơi trắng xóa, không có một bóng người. Nỗi nhớ nhà cứ vậy mà bủa vây, bao nhiêu cảm xúc tiêu cực ập đến.

5 năm không về thăm quê, Dương dành dụm đủ tiền xây nhà cho bố mẹ.

“Tôi cứ tự đặt câu hỏi tại sao mình sang đây, mình có thấy hạnh phúc không, quyết định sang đây có đúng không?... 

Rồi, tôi nhớ đến những khó khăn mà gia đình đang đối diện. Tôi tự nhủ phải cố gắng kiếm tiền lo cho cha mẹ”, Dương tâm sự.

Cuộc sống vợ chồng Dương ở Thụy Điển cũng chưa ổn định, phải đi làm nhiều giờ trong tuần. Dù thu nhập của cả hai khoảng 70-80 triệu đồng/tháng nhưng chi phí sinh hoạt cao nên cũng chỉ đủ sống.

“Chúng tôi cũng chưa lo được cho ba mẹ nên chưa tính chuyện có con”, cô gái hiếu thảo chia sẻ.

Nhà Dương vốn rất khó khăn, bố mẹ phải làm nhiều nghề để lo cho con cái ăn học đàng hoàng.

Đầu mỗi năm học, nhà cô thường thiếu tiền. Thế nên, mùa hè, Dương không đi chơi mà theo mẹ về quê ngoại làm thuê.

Suốt thời gian qua, Dương chỉ được gặp bố mẹ qua những cuộc gọi.

Khi Dương đậu đại học, bố mẹ thức đêm suy tính tìm việc làm, lo tiền học phí cho con.

Mẹ Dương phải về quê ngoại làm cá khô, còn bố thức đêm chở thịt thuê. Làm lụng vất vả, bố Dương bị bệnh mất ngủ cho đến tận bây giờ. Hiện tại, sức khỏe của ông không tốt nên chỉ ở nhà làm vườn. 

Nhìn ngôi nhà khang trang dành tặng bố mẹ dần hoàn thiện, Dương cảm thấy an tâm và hạnh phúc.

Cô nhắn nhủ bố mẹ giữ gìn sức khỏe. Bởi, đó là động lực để cô cố gắng làm việc nơi xứ người.