Chuyện cảm động về người phụ nữ được 2000 lính cứu hỏa gọi là mẹ

Mất chồng ở tuổi 38, mất con trai ở tuổi 49, La Tiểu Song trở thành mẹ của 2.000 lính cứu hỏa ở tuổi 66.

Người phụ nữ này có hàng vạn lý do để phàn nàn về sự bất công của số phận đối với mình, nhưng cô chọn cách chấp nhận mọi thứ và dũng cảm bước vào đội cứu hỏa để tiếp tục sự nghiệp dang dở của con trai.    Cô đã nhận được hàng loạt danh hiệu vì những đóng góp theo cách riêng của mình cho sự nghiệp Phòng cháy chữa cháy (PCCC) suốt 17 năm qua.

La Tiểu Song nhận được hàng loạt danh hiệu vì những đóng góp theo cách riêng của mình cho sự nghiệp PCCC.

Tuổi trẻ rực rỡ

Sau khi tốt nghiệp trung học, La Tiểu Song (SN 1956, quê Chiết Giang, Trung Quốc) làm việc trong một xưởng dệt. Dù chỉ là công nhân bình thường nhưng Tiểu Song thuộc tuýp người làm việc hết mình và yêu nghề. 

Hiệu suất làm việc của Tiểu Song được các cấp lãnh đạo và đồng nghiệp ghi nhận. Vì vậy, cô đã được trao hàng loạt danh hiệu như “Thợ dệt vạn mét”, “Người phụ nữ đảm đang”...

Những danh hiệu này là món quà tuyệt vời, dấu ấn đẹp đẽ mà cô dành tặng cho tuổi thanh xuân của mình.

Hôn nhân & sự nghiệp viên mãn

27 tuổi, thông qua mai mối, La Tiểu Song kết hôn với người đàn ông tên Quản Chấn Cường. Một năm sau đó, cô sinh con trai Quản Chí Ngạn và được đề bạt làm trưởng phòng tín dụng rồi trở thành nữ giám đốc đầu tiên của hệ thống tài chính địa phương.

Có thể nói, đây là khoảng thời gian viên mãn của La Tiểu Song. Tuy nhiên, cuộc đời luôn có những bất ngờ.    Năm 1994, một ngày trước sinh nhật Quản Chí Ngạn, Tiểu Song nhận được điện thoại báo tin chồng cô bỗng dưng ngất xỉu và không còn dấu hiệu sinh tồn. Tiểu Song như chết lặng. Mới sáng đó thôi, Chấn Cường còn hẹn sẽ cùng cô tổ chức sinh thật thật vui vẻ cho con trai. Vậy mà khoảnh khắc này, âm dương đã cách biệt.

Nỗi đau quá lớn khiến Tiểu Song suy sụp nhưng khi nhìn thấy bố mẹ và con trai, Tiểu Song biết mình không thể gục ngã.    Cô đứng dậy lo tang lễ cho chồng rồi nói với con trai: “Bố đi công tác nước ngoài, rất lâu nữa mới về”.

Ban đầu Quản Chí Ngạn luôn hỏi mẹ, tại sao bố không gọi điện hay viết thư về? Cho đến một đêm, Chí Ngạn thức dậy uống nước và nghe thấy tiếng khóc của mẹ. Kể từ đó, cậu bé đã hiểu lý do nên không còn nhắc đến bố nữa, chỉ âm thầm giúp mẹ những việc bản thân có thể làm. 

Quản Chí Ngạn luôn khao khát trở thành một người lính để có thể bảo vệ mẹ và che chở cho nhiều người.

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp trung học, Chí Ngạn quyết định nhập ngũ, trở thành thành viên của đội cứu hỏa Mã An.

Mỗi ngày, sau khi hoàn thành việc luyện tập, Chí Ngạn luôn dành thời gian để gọi cho mẹ, chia sẻ niềm hạnh phúc với mẹ và không bao giờ đề cập đến nguy hiểm hay những chấn thương để mẹ được an lòng. 

Sau 2 năm đi lính, Quản Chí Ngạn được đánh giá là “chiến sĩ xuất sắc” vì những thành tích tốt trong công tác chữa cháy. Tuy nhiên, vào khoảng 10h ngày 2/8/2008, một xưởng sản xuất kem đã xảy ra hỏa hoạn. Đội cứu hỏa Mã An nhanh chóng đến hiện trường. 

Những công nhân đã thoát ra ngoài cho biết vẫn còn người trong nhà máy. Quản Chí Ngạn và đồng đội lập tức lao vào làn khói lửa cuồn cuộn. Ngay sau đó, họ đã giải cứu 3 người.    Khi đội cứu hỏa tiếp tục tiến sâu vào đám cháy để tìm người, một ống thép đã rơi thẳng xuống và đập vào đầu Quản Chí Ngạn…   Tin “sét đánh” về con trai được báo về khiến Tiểu Song ngất tại chỗ. Khi tỉnh dậy, cô lập tức đến đơn vị của con trai.  

La Tiểu Song đau đớn khi nhận tin về con trai.

Trong ký túc xá – nơi con trai từng ở, cô vuốt ve chiếc giường và không kìm được tiếng khóc. 

Các đồng đội của Quản Chí Ngạn đứng xếp hàng bên cạnh cô, phờ phạc và buồn bã nhưng giọng điệu của họ rất chắc chắn và chân thành: “Mẹ ơi, từ nay chúng con đều là con của mẹ, mẹ đừng lo, chúng con sẽ hiếu thảo với mẹ như anh ấy”.    Nhìn những khuôn mặt trẻ trung, giống hệt con trai của mình, lòng cô vừa xót xa, vừa cảm động. 

Thoát khỏi nỗi đau, trở thành mẹ của những người lính cứu hỏa

Kể từ giữa tháng 8/2005, dưới sự sắp xếp của Đội cứu hỏa Ôn Châu các thành viên của đội đều gọi La Tiểu Song là mẹ. Họ thường xuyên đến thăm cô, chăm sóc cho cô.

La Tiểu Song cũng coi những người lính cứu hỏa như con đẻ của mình.  Khi có thời gian rảnh rỗi, cô đều đến giúp họ nấu  ăn, giặt quần áo và trò chuyện với họ về cuộc sống hàng ngày. Khi có lính cứu hỏa bị ốm hoặc bị thương, cô đều đến tận nơi, dành tình mẫu tử để chăm sóc.

Tháng 11/2017, La Tiểu Song được Đội cứu hỏa tỉnh Chiết Giang mời làm sứ giả phúc lợi công cộng cho công tác phòng cháy chữa cháy.  Nhiệm vụ nào Tiểu Song cũng làm hết mình và hoàn thành một cách xuất sắc. 

Khi được hỏi tại sao lại làm nhiều điều đến vậy cho công tác cứu hỏa, cô nói: "Con trai từng là một lính cứu hỏa. Dù con chỉ mặc quân phục một ngày, tôi cũng không thể quên rằng mình là mẹ của một người lính". 

Tiểu Song được những người lính cứu hỏa ở Chiết Giang gọi là mẹ.

La Tiểu Song còn nhiều lần quyên góp tiền cho Quỹ phúc lợi công cộng PCCC. Số tiền ủng hộ này được dùng để cứu trợ các chỉ huy và chiến sĩ PCCC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tàn tật do công việc, tai nạn, biến cố lớn của gia đình.

Có thể nói, là một người mẹ anh hùng, nhưng Tiểu Song không dựa trên danh dự để hưởng thụ mà từng bước chữa lành nỗi đau nội tâm, gánh vác sự nghiệp chữa cháy còn dang dở của con trai, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chữa cháy. 

Bây giờ, La Tiểu Song 66 tuổi. Con trai cô đã hy sinh17 năm cũng là 17 năm cô gắn bó với sự nghiệp PCCC.

Những người lính cứu hỏa ở Chiết Giang đến rồi đi, hết đợt này đến đợt khác nhưng ai cũng được Tiểu Song quan tâm, chăm sóc. Hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ PCCC đều gọi Tiểu Song là mẹ.   Thái độ sống của Tiểu Song trước số phận khiến người ta phải nể phục. 

Nhiều người nói rằng, Tiểu Song đã làm đúng như Soren Kierkegaard từng nói: “Để hiểu cuộc sống, bạn chỉ có thể nhìn lại quá khứ; để sống một cuộc sống tốt hơn, bạn chỉ có thể tiến những bước về phía trước”. 

 Phạm Nương (Theo 163)